Kinh tế

Nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tận dụng tiềm năng để tạo bứt phá trong nông lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan có chuyến công tác tại Gia Lai. Sau khi khảo sát tình hình thực tế, Bộ trưởng đã gợi mở nhiều ý tưởng, giải pháp để ngành nông nghiệp địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp

Gia Lai có diện tích đất tự nhiên hơn 1,55 triệu ha, trong đó có 845,1 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 54,49%. Khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Giai đoạn 2016-2020, tỉnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Qua đó, ngành nông nghiệp đã có chuyển biến mạnh mẽ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các vùng chuyên canh. Tỉnh đã phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam



Cũng theo ông Nghĩa, năm 2021, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh đạt 557.685 ha, tăng 31.937 ha so với năm 2016. Đặc biệt, so với năm 2016, một số nhóm cây trồng đã có sự chuyển dịch như: nhóm cây lương thực giảm 11.628 ha; nhóm cây tinh bột có củ tăng 19.409 ha; nhóm cây thực phẩm tăng 10.828 ha; nhóm cây công nghiệp ngắn ngày giảm 2.009 ha; nhóm cây hàng năm khác tăng 3.572 ha; nhóm cây công nghiệp dài ngày giảm 4.914 ha; nhóm cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâu năm khác tăng 16.677 ha. Một số sản phẩm đã hình thành nhãn hiệu như: chuối Lơ Pang, rau An Khê, gạo Phú Thiện, hồ tiêu Chư Sê… Đặc biệt, sản phẩm gạo Ba Chăm Mang Yang được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, tỉnh thu hút được 27 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 1.426 ha, vốn đầu tư 4.098 tỷ đồng; 42 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với diện tích 1.592 ha, vốn đầu tư 5.519 tỷ đồng; 11 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, cho thuê đất để trồng rừng với diện tích 4.123 ha. Song song với đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 231.000 ha cây trồng các loại như: cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, rau củ quả dược liệu… thực hiện liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm với 81 hợp tác xã (HTX), 72 tổ hợp tác, trên 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết.

Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) cho biết: Hiện tại, các thành viên HTX canh tác 320 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Thông qua sự liên kết này, thành viên HTX đã nâng cao được trình độ canh tác theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty, sản xuất theo tiêu chuẩn, hạn chế phân bón vô cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật và chủ yếu sử dụng phân vi sinh, hữu cơ. Năng suất cà phê hàng năm ổn định khoảng 3,5-4 tấn nhân/ha, giá bán cao hơn so với cà phê sản xuất theo kiểu truyền thống 1.000-2.000 đồng/kg.

Còn ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho hay: Công ty đang liên kết với 9 HTX và 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh sản xuất gần 26.000 ha cà phê theo quy trình 4C, UTZ, Organic. Việc liên kết với các HTX để hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chứng nhận quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Tập đoàn Lộc Trời cũng đang triển khai liên kết với 8 HTX và 2 tổ hợp tác sản xuất-tiêu thụ 1.140 ha bắp sinh khối và 339,6 ha lúa nước. Ông Huỳnh Văn Thòn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời-cho biết: Nông dân phải tham gia liên kết thành các HTX để được đại diện về quyền lợi, tiếp cận các nguồn lực và tài nguyên cho sản xuất, đồng thời được đảm bảo về sinh kế và đời sống; giảm thiểu các công đoạn trung gian giữa người mua-nhà máy-vùng trồng với diện tích canh tác và sản lượng. Giải pháp của Tập đoàn là xây dựng các HTX tập hợp nông dân tham gia và đóng góp tài nguyên là đất sản xuất, tạo thành vùng nguyên liệu ổn định.

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng công nghệ cao kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu…

Các doanh nghiệp và hợp tác xã ký kết liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê niên vụ 2020-2021 (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam
Các doanh nghiệp và hợp tác xã ký kết liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê niên vụ 2020-2021 (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam


Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho hay: Gia Lai vẫn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng về nông nghiệp và lấy nông nghiệp làm tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Hiện tỉnh đã xây dựng Đề án đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác do doanh nghiệp làm đầu chuỗi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm, lấy doanh nghiệp làm đầu chuỗi; thu hút dự án đầu tư vào sản xuất tại các vùng nông-lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông-vận tải, hạ tầng kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

Đánh giá về tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Với nhiều lợi thế khi có sẵn nguồn lực đất đai dồi dào cũng như những điều kiện thuận lợi về giao thông, Gia Lai cần phấn đấu trở thành trung tâm nông sản của khu vực Tây Nguyên. Nếu Gia Lai quyết tâm thực hiện theo hướng này, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để hình thành 1 trung tâm nông sản mang tầm khu vực tại tỉnh. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhưng phải cẩn trọng với những tác động của môi trường. Quan điểm là chúng ta đón “đại bàng” nhưng cũng cần phải lót ổ cho “chim sẻ”, nhiều “chim sẻ” hợp sức lại sẽ sánh ngang “đại bàng”. Nói như vậy có nghĩa là cũng cần quan tâm đến HTX, tổ hợp tác vì đây là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với người dân trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Người dân huyện Ia Grai thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Ia Grai thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021. Ảnh: Lê Nam



Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh cần tận dụng những tiềm năng để tạo ra bước ngoặt, bứt phá về sản phẩm nông-lâm nghiệp sẵn có tại địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ trình Chính phủ để chính thức hóa việc phát triển kinh tế dưới tán rừng thông qua các mô hình làm du lịch, trồng dược liệu, nấm, chăn nuôi, nuôi ong tạo sinh kế cho người dân. “Chúng ta phải kích hoạt phát triển kinh tế dưới tán rừng với tư duy tích hợp rừng đa năng, đa dụng. Chính người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào phát triển kinh tế dưới tán rừng mới là lực lượng chính trong công tác giữ rừng”-Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản xuất không theo quy trình, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, người nông dân cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng. Sản phẩm nông nghiệp phải làm sao để trở thành dược phẩm, mỹ phẩm, phải tích hợp đa giá trị. Khi đó, giá trị nông sản mới tăng lên. “Nếu chúng ta đi một mình thì có thể đi nhanh cho một doanh nghiệp nhưng để đi xa cho một ngành hàng thì phải đi cùng nhau. Có nghĩa chúng ta phải có sự liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp, liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng. Tôi mong muốn hình thành hệ sinh thái ngành hàng, tất cả đều bình đẳng, công bằng, ngồi lại với nhau trong bàn tròn để cùng tạo ra lợi ích và chia sẻ lợi ích tăng thêm. Tinh thần hợp tác là cùng nhau tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm