Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bộ Xây dựng vạch rõ lý do nguồn cung nhà ở mới bị hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản (BĐS). Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,… cũng là một trong những nguyên nhân chính.
 
Thủ tục pháp lý dự án BĐS siết chặt là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung mới bị hạn chế. Ảnh: Cao Nguyên
Thủ tục pháp lý dự án BĐS siết chặt là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung mới bị hạn chế. Ảnh: Cao Nguyên
Ngày 29.7, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, thị trường BĐS quý II.2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021. Thị trường BĐS đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguồn cung mới các sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế.
Bộ này đưa ra lý do nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án BĐS. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu,…
“Nhà ở, đất nền vẫn là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội, tuy nhiên, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít”, Bộ Xây dựng nhận định.
Theo Bộ Xây dựng, tình hình giao dịch các sản phẩm BĐS trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, thị trường BĐS sẽ không thay đổi nhiều so với 6 tháng đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế, ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.
Theo ông Khương, nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, chủ đầu tư tăng giá bán, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua và 1 năm trở lại đây, đặc biệt là BĐS nhà ở.
“Ở một góc độ khác, thị trường BĐS tăng nhưng tính thanh khoản lại chậm do người có nhu cầu mua ở thực khó có khả năng chi trả. Đây là một vấn đề chúng ta cần nhìn ở thị trường ở góc độ cung cầu, tính thanh khoản và giá cả”, ông Khương nhận định.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh BĐS… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường BĐS.
Ngoài ra, Bộ này đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Tổ chức công khai danh mục dự án, quỹ đất, trình tự thủ tục phát triển nhà ở, BĐS trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia đầu tư nhà ở, BĐS.  
“Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường BĐS”, Bộ Xây dựng nêu rõ.  
Theo Cao Nguyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm