Bộ Y tế cho biết biến thể virus SARS-CoV-2 mới ở Anh lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận độc lực mạnh hơn. Hiện ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene virus.
Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 23-12, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết vài ngày nay, thông tin về biến thể mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ở Anh đang khiến nhiều nước lo lắng. Theo ông Tấn, biến chủng mới có khả năng lây lan bệnh Covid-19 nhanh hơn, tuy nhiên chưa ghi nhận việc gia tăng độc lực gây tử vong nhiều hơn hay gây bệnh nặng hơn.
Trước đó, nhiều thông tin từ Anh cho biết biến thế virus SARS-CoV-2 có mức độ lây nhiễm cao hơn, thậm chí cao hơn 70% so với các chủng virus trước.
Ông Tấn cũng cho biết tính đến hết ngày 22-12, Việt Nam ghi nhận 1.414 ca Covid-19, trong đó có 754 ca nhập cảnh, 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đã 20 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm tại cộng đồng. Trong 20 ngày qua, chúng ta ghi nhận rải rác từ 1-10 ca Covid-19 mỗi ngày, đều là người nhập cảnh, được cách ly ngay từ khi xuống sân bay.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: Trần Minh |
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp, gia tăng mạnh ở các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ. Nhiều nước đã phong tỏa, gia tăng các biện pháp phòng chống dịch mạnh hơn nữa. Dù thế giới đang nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 hiệu quả nhưng độ bao phủ của vắc-xin Covid-19 vẫn còn hạn chế trong năm 2021.
Nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan vào nước ta vẫn luôn thường trực. Đặc biệt trong dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, nhu cầu đi lại của công dân gia tăng. Do đó, nguy cơ ghi nhận ca Covid-19 mới vẫn luôn hiện hữu"- ông Tấn nhận định.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Việt Nam đến nay về cơ bản đã kiểm soát được thành công Covid-19. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sự biến chủng virus corona trên thế giới làm mọi người lo ngại. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giới khoa học quan ngại về biến chủng của virus, đặc biệt ở Anh. "Biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên, không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh. Đợt địch Covid-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm nhưng không như đợt này ở Anh" - Bộ trưởng khẳng định.
Hiện ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập vào Việt Nam. "Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này"- GS Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống Covid-19 nên tất cả trường hợp này vào viện phải xét nghiệm. GS Long đề nghị các địa phương cần đưa mức độ phòng chống dịch lên mức cao nhất. Các biện pháp phòng dịch cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt, kiên quyết như giám sát chặt các ca nhập cảnh. Đồng thời, tăng cường giám sát các ca bệnh nghi ngờ trong các cơ sở y tế.
Bộ Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh mùa đông xuân |
Mùa đông xuân là mùa có nhiều bệnh có các triệu chứng ho, sốt như bệnh Covid-19. Đối với tất cả các ca bệnh có biểu hiện ho, sốt, các cơ sở y tế đều phải phân luồng, giám sát, xét nghiệm để phát hiện sớm các ca Covid-9 (nếu có). Phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để khi có dịch sẽ không lúng túng, bị động. GS Nguyễn Thanh Long khẳng định từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế quyết định đẩy mạnh, đưa phòng, chống Covid-19 thành đợt cao điểm để đảm bảo người dân được hưởng Tết an lành.
N.Dung (NLĐO)