Bạn đọc

Bộ Y tế và Bộ Giao thông-Vận tải trả lời kiến nghị của cử tri Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Y tế và Bộ Giao thông-Vận tải trả lời kiến nghị của cử tri Gia Lai liên quan đến ban hành Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2021-2030; thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn hiệu lực hiệp định vay của Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19).

* Bộ Y tế

Kiến nghị:

Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2021-2030, vì Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7-11-2014 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 đã hết hiệu lực, không còn phù hợp với xây dựng nông thôn mới hiện nay và thay đổi thời gian thẩm định lại trạm y tế đạt chuẩn là 5 năm thẩm định lại 1 lần.

Trả lời:

Bộ Y tế đã có Công văn số 949/BYT-KH-TC ngày 9-2-2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức đánh giá và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7-11-2014, trên cơ sở đó xây dựng Bộ tiêu chí cho giai đoạn mới, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2023. Trong giai đoạn chưa ban hành Bộ tiêu chí mới “tiếp tục thực hiện các nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã ban hành tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT cho đến khi Bộ Y tế có hướng dẫn mới.

Kiến nghị:

Đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế công lập để địa phương có căn cứ giao chỉ tiêu biên chế ngành Y tế thay thế Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Liên bộ Y tế và Nội vụ.

Trả lời:

Thực hiện quy định của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập và sớm ban hành trong thời gian tới.

*Bộ Giao thông-vận tải

Kiến nghị:

Đề nghị thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn hiệu lực hiệp định vay của Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19), cho phép sử dụng vốn dư sau đấu thầu triển khai bổ sung một số hạng mục của Dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm tăng cường kết nối giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 19 và phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi của dự án, cụ thể như sau: Mở rộng nền, mặt đường đoạn tuyến nối thị trấn Đak Đoa và TP. Pleiku từ Km 155-Km 160. Mở rộng 4 cầu đoạn Km 180-Km 241 (cầu Tân Lạc-Km 199+790, cầu Thanh Bình-Km 202+670, cầu Nước Pit-Km 205+500, cầu Ia Blang-Km 214+292). Mở rộng mặt đường đoạn Km 670-Km 68+500 đảm bảo cho các phương tiện dừng, đỗ kiểm tra an toàn kỹ thuật khi lên xuống đèo An Khê. Đầu tư xây dựng đoạn tuyến tránh thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang.

Trả lời:

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quốc lộ 19 có chiều dài 243 km, quy mô đường cấp III, 2-6 làn xe. Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản được đầu tư theo quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, trong đó, đoạn từ Km 50-Km 90, Km 131+300-Km 160 và Km 180-Km 241 đang được Bộ Giao thông-Vận tải triển khai đầu tư trong Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; các đoạn còn lại (Km 90+000-Km 108+000) đang được Bộ Giao thông-Vận tải triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về đề nghị mở rộng quốc lộ 19 đoạn tuyến nối thị trấn Đak Đoa và TP. Pleiku (Km 155-Km 160), mở rộng 4 cầu đoạn Km 180-Km 241 (cầu Tân Lạc, cầu Thanh Bình, cầu Nước Pit, cầu Ia Blang) và mở rộng mặt đường đoạn Km 67+000-Km 68+500: đây là các đoạn tuyến thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, Bộ Giao thông-Vận tải đang lấy ý kiến nhà tài trợ tiến hành các thủ tục thẩm định trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư sử dụng vốn dư làm cơ sở triển khai thực hiện. Đề nghị địa phương phối hợp triển khai thực hiện trong trường hợp được nhà tài trợ và cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Về đề nghị xây dựng đường tránh thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang: theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có tuyến tránh nêu trên. Do vậy, đề nghị tỉnh xem xét, nghiên cứu đưa tuyến tránh thị trấn Kon Dơng vào quy hoạch đường địa phương, cân đối ngân sách đầu tư.

Có thể bạn quan tâm