Quảng cáo cho vay được dán mọi chỗ, mọi nơi ở Đác Lắc. |
Thời gian gần đây, nhiều băng nhóm từ các nơi đổ về Đắc Lắc hoạt động “tín dụng đen”, khiến nhiều người dân “sập bẫy”, cuộc sống rơi vào cảnh khốn cùng. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Đắc Lắc và các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực vào cuộc, bước đầu triệt phá thành công một số băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
Không chỉ hoạt động ở địa bàn thành phố, thị trấn, hoạt động “tín dụng đen” đã len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với phương thức hoạt động tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, tư vấn tài chính... thông qua các hình thức dán tờ rơi, quảng cáo hấp dẫn như lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn… để tiếp cận người có nhu cầu vay tiền. Do người dân vùng nông thôn, đồng bào DTTS đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, cần nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất... nên nhiều người đã “sập bẫy” hoạt động “tín dụng đen” khiến cuộc sống rơi vào cảnh khốn cùng...
Mới đây nhất, vào lúc 20 giờ ngày 21-11, sau một thời gian theo dõi, lực lượng cảnh sát Đội Quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc đã ập vào nhà ông Phạm Đình Huy 36 tuổi, ở thôn 2, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo bắt giữ các đối tượng: Ngô Văn Hưng, sinh năm 1997, trú ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; Nguyễn Đức Trọng, sinh năm 1996, trú ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và Nguyễn Đức Long sinh năm 1983, trú ở tỉnh Hải Dương đang mở dịch vụ “tín dụng đen” cho vay nặng lãi. Qua đấu tranh, các đối tượng trên khai nhận, đã cho 38 người dân ở xã Ea Nam và các vùng lân cận vay tổng số tiền 862 triệu đồng với mức lãi suất 12%/tháng và 144%/năm.
Mở rộng điều tra, Công an huyện Ea H’leo phát hiện thêm hai anh em Phạm Văn Trọng, sinh năm 1996 và Phạm Văn Đại, sinh năm 2001, đều có hộ khẩu thường trú tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đến thuê nhà của ông Nguyễn Nhựt, 46 tuổi, ở thôn 3, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo làm tụ điểm cho vay nặng lãi. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai đối tượng này đã dán nhiều tờ rơi quảng cáo trên các trụ điện, vách tường rào của người dân để chiêu dụ khách hàng. Người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu đến địa điểm trên hoặc liên hệ qua số điện thoại đã có sẵn trên tờ rơi là anh em Trọng, Đạt mang tiền đến tận nhà cho vay. Lãi suất vay 12%/tháng, thu tiền lãi ngay tháng đầu tiên, đến kỳ lãi tiếp theo nếu con nợ không trả được sẽ bị tính mức lãi mới trên cơ sở gộp tiền gốc và lãi cũ chưa trả.
Bằng phương thức và thủ đoạn này, đã có 30 người dân ở các xã vùng sâu Ea Ral, Cư Mốt, Ea H’leo và Ea Wy của huyện Ea H’leo “sập bẫy” với tổng cộng số tiền vay 330 triệu động. Trong khi các đối tượng đang tiếp tục chiêu dụ người dân vay vốn thì bị phát hiện, bắt giữ. Hiện Công an huyện Ea H’leo đã tạm giam năm đối tượng trên để mở rộng điều tra, xử lý.
Trước đó, vào ngày 1-10 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắc Lắc cũng đã phát hiện, bắt giữ Bùi Văn Thịnh 26 tuổi, trú ở TP Hải Phòng, tạm trú tại đường Dương Văn Nga, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc có hành vi cưỡng đoạt tài sản, tạm giữ hơn 100 triệu đồng của một người dân. Ngoài Thịnh, cơ quan công an cũng tạm giữ tám đối tượng khác liên quan đến đường dây hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi gồm: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Năm, Hoàng Văn Cương, Nguyễn Đức Khương, Lê Trung Hiếu, Bùi Văn Tình, Vũ Văn Mạnh và Phạm Đình Bảo.
Theo điều tra ban đầu, nhóm này do Thịnh cầm đầu, từ Hải Phòng vào Đắc Lắc cấu kết với Nguyễn Thị Ngọc Tiền, 25 tuổi, trú ở huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc để hoạt động “tín dụng đen”. Hằng ngày, Thịnh chỉ đạo các đàn em in hàng trăm tờ quảng cáo “cho vay không cần chứng minh, hộ khẩu”, “Alo là có tiền” rồi chia nhau đi phát cho người dân hoặc dán trên các bờ tường, cột điện khắp các buôn làng.
Trước những lời mời chào cho vay dễ dãi đó, đã có 269 hộ dân ở nhiều huyện, xã của tỉnh Đắc Lắc “sập bẫy” vay tiền và trả lãi suất cắt cổ. Trong số 269 hộ dân vay tổng cộng 2,6 tỷ đồng, có 40 hộ dân là người đồng bào DTTS vay với số tiền 950 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắc Lắc, phương thức hoạt động của nhóm cho vay nặng lãi này tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính. Thông qua các hình thức dán tờ rơi, quảng cáo… để tiếp cận người có nhu cầu vay tiền. Lãi suất thỏa thuận với người vay thường tính theo ngày hơn một triệu đồng và không ghi lãi suất vào hợp đồng. Tuy nhiên, khi giải ngân, các đối tượng trừ luôn lãi của tháng đầu tiên, đến kỳ lãi nếu người vay không trả được sẽ bị tính lãi mới trên cơ sở gộp tiền gốc và lãi cũ chưa trả, nên lãi mẹ đẻ lãi con.
Qua kiểm tra nơi ở thuê của các đối tượng này, Cơ quan công an đã thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ cho vay, nhiều thiết bị máy móc, vật chứng và các giấy tờ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Một cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Mức lãi suất mà nhóm này cho người dân vay lên đến 30%/tháng, tương đương 360%/năm nên nhiều người sau khi vay tiền đã không có khả năng trả lãi. Lúc này, các đối tượng mới tổ chức siết nợ, cưỡng đoạt tài sản của các nạn nhân. Trong đó, có những người khi vay của nhóm này từ 50 triệu đồng trở lên còn buộc phải cầm lại giấy tờ nhà, giấy tờ đất. Những người không may “sập bẫy” có thể bị bọn chúng siết nhà, siết đất, trở nên trắng tay”.
Trước tình hình trên, trong cuộc họp đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Phạm Ngọc Nghị đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là lực lượng công an cần tăng cường đấu tranh, xử lý mạnh tay đối với loại tội phạm này, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, đặc biệt là tín dụng chính sách cần chú trọng tuyên truyền, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để không bị “sập bẫy” hoạt động “tín dụng đen”.
Nguyễn Hoài Bão (NDĐT)