Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bóng tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nông thôn Việt Nam luôn phủ bóng cây xanh, ở đó, tre bao giờ cũng nổi bật nhờ chiều cao, sống theo quần thể và có mặt khắp nơi. Quanh vườn có rào tre, đường làng có hàng tre, cuối làng có lũy tre... 
Một thời, tre đem đến rất nhiều lợi ích thiết thực cho con người như cất nhà, làm những vật dụng trong gia đình. Tre còn che bóng mát quanh năm, góp phần tô điểm bức tranh làng quê thêm chất thơ.
Thời gian một ngày khi nôn nao, khi lững thững đi qua bóng tre. Rạng đông, bóng ngọn tre cong vút trên nền trời, những chiếc lá như những ngón tay thon dịu dàng nâng mặt trời lên. Trong khoảng nửa buổi sáng, bóng tre đổ dài, phủ rộng trên vườn tược, trên đồng lúa. Trưa, bóng thu vào quanh gốc, nghìn mắt tre lim dim trong nắng, ngọn tre cúi đầu nhìn về cội rễ của mình mà trầm tư, đôi lúc lắc đầu như thể ngao ngán một điều gì trong hiện tại. Xế chiều, khi có gió mạnh, bóng tre ngả nghiêng như người say. Hoàng hôn, bóng ngọn tre như cây cọ trong tay một cậu học trò tập tọe, nguệch ngoạc mấy nét mây như vảy tê tê lên nền trời phía Tây. Rồi mảnh trăng đầu tháng xuất hiện như con thuyền chở hồn quê ra khơi bằng mái chèo là bóng thân tre. Đêm trăng tròn, má chị Hằng ửng hồng lấp ló sau rặng tre xa. Những đêm không trăng, các vì sao lấp lánh phía chân trời như hoa đăng treo trên ngọn của lũy tre cuối làng.
Bóng tre thay đổi theo mùa: xuân, hè xanh thẫm tươi tốt; thu, đông hoa râm vì lá rụng. Bóng lá bay bay trong gió như đàn bướm rập rờn trên mặt đất. Bóng lũy tre trải trên thửa ruộng lúa xanh gặp làn gió nhẹ uốn lượn như sóng, mềm mại như thảm nhung. Ta lại nghe muôn điệu nhạc từ tre. Tiếng xào xạc của lá. Các thân tre cọ vào nhau cất lên tiếng kẽo kẹt như tiếng võng đưa. Tiếng lắc rắc của cây vặn mình khi trời trở gió. Tiếng ríu rít của đàn chim làm tổ trên cành. Trong dàn âm thanh đó, văng vẳng khúc dân ca đâu tự ngày xưa vọng về.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Trời nắng, lũ trẻ vui chơi dưới bóng tre. Trời mưa cũng chơi dưới bóng tre. Có những hàng tre cong tạo nên mái vòm, mưa chỉ ướt vùng đất bên ngoài, trong vòm vẫn khô ráo, giữa hai vùng khô-ướt có một lằn ranh, trẻ con nhảy ra nhảy vào đùa nghịch với bóng mưa. Người lao động ngoài đồng, ngoài gò bãi, mệt thì đến bóng tre ngồi nghỉ, đem bất cứ việc gì có thể vào bóng mát mà làm. Bóng tre cũng là chỗ hẹn hò của đôi lứa. Trong vườn, tre như là một “nhân chứng lịch sử” của gia đình. Có những cội tre trải qua nhiều đời người. Nơi đó, thường thấy cụ ông ngồi chẻ lạt, vót nan; cụ bà ngồi khâu áo, nhai trầu. Thỉnh thoảng, những đôi mắt màu sương ngước nhìn lên ngọn như xem chừng đời mình có thấy được hoa tre-loài hoa trăm năm mới nở một lần!
Tuy chỉ là “bóng”, không cầm nắm được nhưng bóng tre có giá trị rất thực, rất thân thiện với người dân quê. Trong tâm thức của người xa quê luôn có hình ảnh lũy tre làng-“Làng tôi xanh bóng tre”. Và thấy cả bóng tre trong đôi đũa thon dài cha vót, nâng niu từng hạt cơm thơm; lại nhớ bóng tre hòa với bóng làng trĩu nặng, cong oằn đòn gánh trên đôi vai gầy của mẹ buổi xế chiều!
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm