Tại hội thảo "BOT - Từ góc nhìn đa chiều" do Báo Pháp Luật TP HCM phối hợp Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 17-10, nhiều ý kiến đánh giá BOT là một chủ trương đúng, giúp phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông trong điều kiện nguồn vốn ngân sách eo hẹp.
Tính đến tháng 5-2018, tại Việt Nam có 68 dự án giao thông đường bộ được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn gần 208.000 tỉ đồng. Nhiều dự án khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả; giảm ùn tắc, tai nạn, chi phí vận tải… Tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức này phát sinh nhiều bất cập, tiêu cực ở nhiều dự án như đặt sai trạm thu phí, chỉ sửa mặt đường rồi xây trạm để thu phí… gây bức xúc trong dư luận.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định Bộ Giao thông Vận tải sẽ siết chặt việc lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án BOT mới |
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng BOT là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển. Ông Hiển dẫn chứng các dự án BOT như đường cao tốc TP HCM - Trung Lương hoặc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây… đã mang lại hiệu quả lớn khi tạo sự kết nối giữa TP HCM với nhiều địa phương, tạo đà phát triển vùng. Ngược lại, với những dự án như BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), ông Hiển đánh giá là không phù hợp.
Do đó, để tránh người dân và doanh nghiệp phản ứng về BOT, TS Hiển cho rằng phải chọn những dự án trọng điểm, cần thiết về lợi ích kinh tế - xã hội giữa các bên mà bản thân DN cùng người dân thấy phù hợp. "Chúng ta không thể lợi dụng tính chất cần thiết của BOT mà làm tràn lan. Nhiều tuyến đường không tính toán kỹ việc đầu tư thì không chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho kinh tế mà gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân" - ông Hiển đánh giá.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết năm 2016, Chính phủ đã tổng kết các dự án BOT. Qua đó nhận thấy nhiều dự án BOT được thực hiện khi các đơn vị chưa có kinh nghiệm. Điển hình như BOT Cai Lậy, thay vì phải lấy ý kiến của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì lúc triển khai dự án, chỉ lấy ý kiến của tỉnh Tiền Giang, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh sau đó.
Theo ông Nhật, từ năm 2016, Bộ GTVT đã dừng 13 dự án; đồng thời cho kiểm toán, rà soát tất cả các dự án BOT. Thời gian tới, bộ sẽ siết chặt việc lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án BOT mới, ưu tiên những chủ đầu tư có kinh nghiệm, đủ tiềm lực kinh tế.
Gia Minh (NLĐO)