Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bức họa diễm tuyệt của văn chương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong một lần tới Việt Nam giao lưu, nhà văn kiêm biên kịch người Pháp David Foenkinos, tác giả của các tiểu thuyết lãng mạn pha lẫn hài hước như Chỉ tại vợ tôi gợi tình, Mối tình Paris, Những lần ta chia tay hé lộ về một tác phẩm sắp ra mắt tại Việt Nam, được nhấn mạnh là quan trọng trong sự nghiệp viết văn của anh.

Đó chính là tiểu thuyết Charlotte do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành, Hoàng Nhụy dịch. Quả nhiên, không phải vô cớ mà David Foenkinos lại chia sẻ như vậy và độc giả hoàn toàn có thể tìm thấy lời giải cho mình khi tìm đọc tác phẩm này.

Charlotte dựa trên một câu chuyện có thật thời Thế chiến II, được xuất bản năm 2014, giành giải Renaudot và giải Goncourt cho học sinh trung học. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ cuộc đời của Charlotte Salomon, nữ họa sĩ người Đức gốc Do Thái bị sát hại năm 26 tuổi, khi đang mang thai đứa con đầu lòng.

Theo chia sẻ của David Foenkinos, nữ danh họa Charlotte Salomon ám ảnh anh khôn nguôi. Anh tình cờ gặp tác phẩm của Charlotte Salomon tại một triển lãm ở Berlin và lập tức nó gây cho anh “cú sét nghệ thuật”.

 


Suốt nhiều năm, David Foenkinos đã ghi chép các thông tin, không ngừng xem đi xem lại tác phẩm của cô. Anh cũng từng thử viết cuốn sách này rất nhiều lần nhưng rồi một loạt câu hỏi hiện lên trong đầu: “Nhưng viết như thế nào? Tôi phải có mặt ư? Tôi phải tiểu thuyết hóa câu chuyện của cô ư? Nỗi ám ảnh trong tôi nên mang hình thức nào?”.

Tác phẩm được ra đời từ hàng loạt tự vấn như vậy. Và đặc biệt, sự băn khoăn của David Foenkinos về hình thức đã mang đến cách thể hiện độc đáo: mỗi câu không quá một dòng. Điều này tạo cho tác phẩm nhịp điệu riêng, lúc nhịp nhàng khi dồn dập, tương ứng với cuộc đời thăng trầm nhưng đầy say mê trong tình yêu lẫn nghệ thuật của Charlotte.

Dưới ngòi bút của David Foenkinos, cuộc đời nữ họa sĩ Charlotte Salomon hiện lên đầy chân thực và sinh động. Cuộc đời ấy như tâm điểm của một vòng tròn, mà xoay quanh nó là các mối quan hệ với gia đình, trường học, chế độ cai trị hà khắc cùng đam mê hội họa mãnh liệt.

Sau nhiều lần nỗ lực, cuối cùng Charlotte Salomon cũng đặt chân tới được nước Pháp. Hành trình ấy mở ra nhiều cảm hứng sáng tạo, giúp Charlotte có những tác phẩm để đời nhưng đồng thời cũng khép lại một cuộc đời thăng trầm và bi thương của cô.

Cuộc trốn chạy sang nước Pháp những tưởng là một kết thúc tốt đẹp cho Charlotte, nhưng cuối cùng, cô bị sát hại lúc đang mang thai ở tháng thứ năm.

Cái chết của Charlotte không khiến người đọc bất ngờ, bởi ở đâu thì con người vẫn luôn bé nhỏ trước thời cuộc, huống chi với Charlotte, đó còn là số phận. Trên chuyến tàu lăn bánh về trại tập trung, cô đã lập một phép tính: 1940 + 13 = 1953.

Năm 1940 là năm diễn ra cái chết của mẹ và dì Charlotte, cũng chừng ấy năm là cái chết của mẹ và bà ngoại Charlotte. Charlotte ra đời nhưng đồng thời số phận dường như đã an bài cho cô. Vì lẽ đó, Charlotte lựa chọn năm 1953 để tự sát.

Nhưng rốt cuộc, chu kỳ 13 năm đó đã không lặp lại và Charlotte vĩnh viễn ra đi vào năm 1943, sớm hơn 10 năm so với định liệu. Không bất ngờ nhưng cảm giác xót xa và đau thương sẽ còn mãi trong lòng người đọc.

Với tiểu thuyết Charlotte, David Foenkinos thực sự thoát ra dấu ấn sâu đậm mà anh đã “tạc” vào tâm trí độc giả từ những tác phẩm xuất bản trước đây. Chất hài hước, bỡn cợt thường thấy được thay thế bởi sự thâm trầm, sâu lắng.

Với sự kỳ công của mình, David Foenkinos gần như biến thành một họa sĩ kỳ tài, mà Charlotte chính là bức chân dung diễm tuyệt và đẹp đẽ được tạo tác không phải bằng màu sắc, hình khối mà bằng ngôn ngữ của văn chương.

HỒ SƠN (sggp)

Có thể bạn quan tâm