Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bức tranh bất động sản năm 2022 thế nào sau cơn 'địa chấn' Thủ Thiêm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo giới chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 được dự báo sẽ có nhiều triển vọng bất chấp cơn “địa chấn” bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm và đại dịch COVID-19.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Cho rằng cơn “địa chấn” bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm như “cái tăm cắm đúng vào huyệt của lực sĩ” khi 1 hécta đất có thể khiến thị trường bị “rung lắc,” thế nhưng, nhiều chuyên gia cũng tin tưởng rằng đây một chỉ là sự vụ riêng lẻ và không hoàn toàn đại diện cho “bức tranh” chung của thị trường bất động sản hiện nay.
Không bất ngờ và đã được dự báo trước
Chia sẻ quan điểm trước thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tỷ đô tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá lên đến gần 2,4 tỷ đồng/m2, phó giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng động thái này không quá bất ngờ và đã được dự báo từ trước.
Theo ông Thiên, cú “địa chấn” này đã xuất hiện không phải hoàn toàn do thông tin doanh nghiệp bỏ cọc mà nó đã được đặt ra từ lúc giá trúng đấu giá kỷ lục lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 được xác lập. Đây là một cuộc đua về giá vượt qua mọi logic thông thường, có thể do trong cuộc đấu giá các bên tham gia đã quá “say mồi.”
Cũng theo nhận định của ông Thiên, nguyên nhân của việc doanh nghiệp bỏ cọc lô đất đấu giá tỷ đô có lẽ chỉ có doanh nghiệp mới biết, nhưng hệ lụy thì đã rõ ràng.
Trước tiên, vụ việc trên đã tạo ra một cơn sốc lớn, khiến mọi giao dịch “đứng lại,” dòng tiền bị chững lại và quan trọng hơn là đã làm thay đổi chuẩn mực về giá cả. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đang phải chờ cơ quan thuế xem xét lại cũng như có không ít dự án dừng lại việc ra hàng để nghe ngóng diễn biến về giá.
Đối với ảnh hưởng của việc Tân Hoàng Mình bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm với thị trường bất động sản, ông Thiên ví như “một cái tăm cắm đúng vào huyệt của lực sĩ” khi chỉ 1 hecta đất có thể khiến thị trường bị “rung lắc.”
Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm có các giải pháp căn cơ cũng như những điều kiện ràng buộc để các tình huống cực đoan không còn xảy ra; xem xét lại toàn diện các quy tắc về đấu giá tài sản nói chung, đặc biệt là đấu giá đất nhằm chống thao túng, chi phối, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng) thì cho rằng vụ việc của Tân Hoàng Minh chỉ ảnh hưởng đến một khu vực nhất định của thị trường, không thể ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
Lý do, theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, để đánh giá toàn diện thị trường bất động sản cần nhìn từ nhiều tình huống khác nhau và giá đất tăng lên không phải chỉ có ảnh hưởng từ đấu giá, dù cũng không thể phủ nhận việc đấu giá đất cao sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng về sau.
Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng trước khi có sự kiện đấu giá đất tỷ đô tại khu vực Thủ Thiêm thì giá nhà đất tại khu vực này đã rục rịch tăng giá, nhất là từ khi Quốc hội quyết định thành lập thành phố Thủ Đức thành mô hình “thành phố trong thành phố.”
 
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN
Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp đấu giá quá cao rồi bỏ cọc tại Thủ Thiêm dù với động cơ gì thì là một hiện tượng không tốt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là sự vụ riêng lẻ và không hoàn toàn đại diện cho bức tranh chung cũng như nguy cơ của toàn bộ thị trường bất động sản hiện nay.
Thị trường bất động sản sẽ "lành mạnh hơn"
Giới chuyên gia nhận định dù có không ít vấn đề được đặt ra và cần được giải quyết để tránh những hệ lụy xấu từ sự vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nhưng xét về tổng quan, thị trường bất động sản vẫn được dự báo có nhiều triển vọng.
Triển vọng đầu tiên đến từ việc một loạt chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong năm 2019, 2021 sẽ được triển khai rất nhanh trong năm nay do độ trễ của các chính sách này đã đủ. Nhờ những chính sách tích cực, năm 2022 thị trường bất động sản sẽ được định hình lại và phát triển lành mạnh hơn.
Chia sẻ rõ hơn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng các năm qua, liên tiếp thị trường bất động sản Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.
Theo ông Đính, với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng GDP hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là 1 trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh tranh giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh.
Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản thời gian tới, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng với việc Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 đang dần hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản phát triển trong giai đoạn tới.
Dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng thị trường bất động sản luôn luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó.
“Đặc biệt, một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 sang năm 2022 sẽ có hiệu lực. Các vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan cũng đã dần hoàn thiện, nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư,” ông Khởi phân tích.
Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm