TN - Đất & Người

Bước chuyển mới ở Đông Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, làm điểm từng hộ để lan tỏa thành phong trào thi đua, huyện Kon Plông đã chọn xã Măng Bút làm điểm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đồng thời triển khai đồng bộ ở các xã, thị trấn. Từ đó tạo bước chuyển mới trong đời sống của người dân ở vùng Đông Trường Sơn.

Măng Bút đang vào mùa gặt. Các thành viên trong Tổ công tác huyện Kon Plông (được gọi là tổ công tác đặc biệt) vẫn miệt mài gặp gỡ để hướng dẫn người dân kỹ thuật phơi lúa, phơi rơm để dự trữ lương thực, thức ăn cho người và gia súc.

Là thành viên của tổ công tác, ông Võ Kim Thạch – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Plông chia sẻ rằng, ban ngày cùng ra đồng, vào buổi chiều, tối, các thành viên xuống tận nhà dân để trực tiếp trò chuyện, tâm sự. “Qua trò chuyện mới tạo được sự gần gũi, niềm tin của người dân. Từ đó, chúng tôi hướng dẫn họ cách chi tiêu hợp lý, để dành tiền mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; cùng làm và hướng dẫn người dân cách quét dọn nhà cửa, chuồng trại sạch sẽ” – ông Thạch chia sẻ.

Triển khai thực hiện Cuộc vận động, bên cạnh việc xác định cụ thể từng đầu công việc, huyện đã kết hợp nhiều lực lượng, nội dung, biện pháp để hướng dẫn, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” để vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Quét dọn chuồng trại sạch sẽ, sử dụng phân chuồng để bón cho cây trồng. Ảnh: H.T


Huyện đã thành lập các tổ công tác (mỗi tổ 3 người), định kỳ hàng tuần xuống ăn, ở tại xã Măng Bút. Mỗi tổ công tác luân phiên làm nhiệm vụ và báo cáo kết quả hoạt động trong tuần cho Thường trực Huyện ủy. Đến nay, đã thực hiện được khoảng 20 lượt.

“Hàng tuần tôi chủ trì giao ban, nắm kết quả hoạt động của tổ và triển khai nhiệm vụ cho tổ công tác đảm nhiệm trong tuần mới. Chúng tôi thường xuyên giám sát, nắm bắt thông tin và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Dễ làm trước, khó làm sau, đảng viên thay đổi trước, tạo đà cho người dân cùng thực hiện; kiên trì,  bền bỉ từng bước để Cuộc vận động đi vào thực chất”- ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh.

Ở xã Măng Bút, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, hội nông dân… cũng tích cực vào cuộc, tăng cường bám thôn, làng, hộ gia đình để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có hướng tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất.

Kiên quyết, kiên trì, làm thực chất, nhờ đó, người dân đã có sự thay đổi rõ nét. Từ việc không biết cách làm cây rơm, dự trữ thức ăn cho gia súc, đến nay, người dân đã biết cách dự trữ thức ăn cho gia súc.

Như ông A Đân – Bí thư Chi bộ thôn Măng Bút, xã Măng Bút là một ví dụ. Những năm trước, gặt xong, cũng như những gia đình khác, ông bỏ rơm tại đồng và đốt. Được sự vận động, hướng dẫn, mùa gặt này, ông kéo rơm về nhà, làm cây rơm để dành làm thức ăn cho 5 con trâu. Ông còn đứng ra vận động, hướng dẫn người dân trong thôn làm theo. Toàn thôn có 90/187 hộ chăn nuôi trâu. Đến nay, đã có 12 hộ làm cây rơm.

 

Phơi lúa khô để dự trữ. Ảnh: HT


Không riêng thôn Măng Bút, mới đầu vụ gặt, toàn xã đã có khoảng 30 hộ dân làm cây rơm. “Năm 2020, trong cơn bão số 9, toàn xã có 111 con trâu chết do đói và rét. Để đảm bảo hiệu quả trong chăn nuôi, chúng tôi hướng dẫn người dân làm chuồng trâu có mái che, rào bọc cẩn thận đồng thời đề ra chỉ tiêu mỗi đảng viên (có chăn nuôi trâu, bò) phải làm 1 cây rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc. Đảng viên làm có hiệu quả sẽ trở thành gương, lực lượng nòng cốt tuyên truyền, cùng hướng dẫn người dân làm theo” – ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho hay.

Ngoài việc hướng dẫn người dân làm cây rơm, đến nay, các cấp đã huy động nhiều nguồn lực giúp các hộ đồng bào DTTS xây dựng được các mô hình: Trồng đương quy, đẳng sâm, nuôi heo địa phương, vịt xiêm. Chị Y Bên, thôn Văn Loa được hỗ trợ 10 con vịt xiêm và hỗ trợ cây sâm dây giống. Từ trước đến nay, ngoài việc trồng lúa, chăn nuôi trâu, chị không quen với việc làm các mô hình mới. Tuy nhiên, nay được hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, chị đã bắt nhịp, quen với nuôi con vật mới, trồng cây mới.

Dưới sự hướng dẫn của tổ công tác và chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn xã cũng biết cách trồng rau để cải thiện bữa ăn, đồng thời dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Hiện nay, các tổ công tác và chính quyền xã tiếp tục vận động người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm để có thu nhập ổn định.

“Các đầu việc, nội dung cụ thể của cuộc vận động đã được triển khai cụ thể đến từng thôn, làng của tất cả các xã, thị trấn. Qua thực hiện, đã thấy có bước chuyển trong đời sống của người dân. Hiện nay, tính trông chờ, ỷ lại của người dân còn cao, tâm lý luôn cần giúp đỡ. Do đó, huyện sẽ tiếp tục kết hợp nhiều lực lượng, biện pháp để giúp người dân thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo”- ông Đào Duy Khánh cho hay.

http://baokontum.com.vn/xa-hoi/buoc-chuyen-moi-o-dong-truong-son-20445.html

Theo Hoài Tiến (baokontum)

Có thể bạn quan tâm