Kinh tế

Nông nghiệp

Bưởi đỏ tiến Vua hút khách ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bưởi Luận Văn là một trong những thứ quả đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa, nguồn gốc tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân.

Đây là sản vật quốc gia từ thời Hậu Lê, nên bưởi Luận Văn còn có tên gọi khác là bưởi tiến Vua vì thường được cung tiến cho Vua, triều đình vào mỗi dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Bưởi tiến vua đã được các tiểu thương đặt mua tại gốc. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Bưởi tiến vua đã được các tiểu thương đặt mua tại gốc. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Loại bưởi này nổi tiếng với nhiều đặc điểm quý như quả to, tròn đều. Khi chín, quả bưởi chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ gấc. Lúc này từ vỏ, cùi đến ruột bưởi đều có màu đỏ cùng hương thơm đặc trưng không loại bưởi nào có được. Màu đỏ đặc trưng của giống bưởi quý này khiến cho quả bưởi Luận Văn được xem là một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc được nhiều người ưa chuộng, tìm mua với giá cao mỗi dịp Tết đến xuân về.

Cây bưởi Luận Văn có chu kỳ sinh trưởng từ 10-15 năm, sau trồng từ 3 năm sẽ cho quả lứa đầu. Sau 5 năm sẽ cho thu hoạch đại trà khi đã ổn định thân, cành. Ngoài giá trị thuần túy là loại trái cây ngon, giống bưởi này còn có giá trị văn hóa, tâm linh rất ý nghĩa. Bưởi Luận Văn có 2 thời điểm thu hoạch trùng với phong tục tập quán thờ cúng gia tiên của người Việt là dịp rằm tháng 8 (âm lịch) và dịp Tết nguyên đán.

Bưởi Luận Văn hiện nay được trồng chủ yếu theo hình thức vườn đồi trong hộ gia đình với tổng diện tích 56 ha tập trung chủ yếu tại các xã Thọ Xương (35 ha), Xuân Bái (20 ha), Thị trấn Lam Sơn (1,2 ha)...; trong đó, diện tích mới trồng đang trong giai đoạn cây con và kiến thiết cơ bản là 36,2 ha, diện tích bưởi đã và đang trong giai đoạn kinh doanh cho quả là 20 ha. Sản lượng bưởi Luận Văn ước đạt 400 tấn/vụ thu hoạch (tương đương khoảng 380.000-400.000 quả), mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình rất hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng.

Sở hữu trang trại bưởi trên 1.000 gốc, ông Nguyễn Văn Tư (thôn Thủ Trinh, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, vườn bưởi được mùa, hơn 1.000 gốc bưởi của gia đình ước tính cho thu hoạch khoảng 10.000 quả. Theo kinh nghiệm trồng bưởi của ông Tư, để có một vụ bội thu, ngoài yếu tố thời tiết thì thời điểm tháng Giêng hàng năm là giai đoạn quan trọng nhất. Sau khi thu hoạch quả, người trồng bưởi sẽ dọn sạch vườn, phân tro để thúc cây ra hoa.

Ở giai đoạn này, người trồng bưởi phải biết cách chăm sóc cho cây ra trái, đậu trái cũng như phòng sâu bệnh. Do đặc thù quả bưởi Luận Văn được sử dụng chủ yếu để trang trí, thờ cúng trong các dịp lễ tết nên người trồng thường không để quá nhiều quả trên cây mà sẽ tỉa bớt các quả nhỏ, xấu, chỉ lựa chọn để lại các quả tròn, đều, đẹp và chăm sóc, định hình quả; thực hiện bao gói quả bưởi ngay từ khi bưởi kết thúc giai đoạn rụng quả sinh lý. Ngoài bán bưởi quả, ông Tư còn bán bưởi giống thuần chiết từ các cây bưởi gốc cho bà con quanh vùng.

Từ tháng 10, 11 âm lịch, vườn bưởi của ông Tư đã được thương lái đến đặt chỗ, chỉ đợi qua rằm tháng Chạp sẽ đến cắt quả tính tiền. Năm nay, giá bưởi được bán tại vườn từ 85.000-100.000 đồng/quả. Dự tính, vườn bưởi của ông Tư sẽ cho thu hoạch từ 800-900 triệu đồng.

Cách đó không xa, vườn bưởi đỏ tiến Vua của anh Phạm Văn Thành cũng đang vào độ chín, tỏa hương thơm nhẹ dịu. Dù mới bắt tay vào trồng bưởi vài năm nay nhưng anh Thành đã có trong tay 130 gốc bưởi, Tết này sẽ cho thu hoạch khoảng 2.400 quả. Bưởi năm nay chín đúng thời điểm, quả tròn đều, căng mọng và năng suất cao hơn mọi năm.

Nhưng đây cũng là thời điểm "gay cấn" nhất trong năm vì khi bưởi chín, mỗi quả bưởi sẽ dao động từ 0,7-1,3 kg. Nếu chăm sóc không cẩn thận bưởi sẽ rất dễ bị rụng. Bưởi rụng, mất cuống chỉ còn cách đem ra chợ bán với giá rất rẻ vì thế từ nay đến 23 tháng Chạp chính là thời gian cả gia đình phải "ăn ngủ cùng bưởi", chỉ khi xuất bán thành công cho thương lái lúc ấy mới có thể thở phào nhẹ nhõm - anh Thành chia sẻ.

Không riêng gia đình ông Tư, anh Thành, cả xã Thọ Xương hiện có tới 80% hộ dân trồng loại bưởi này, hộ ít cũng trồng khoảng 20 gốc, hộ nhiều vài trăm gốc đến vài nghìn gốc. Những năm gần đây, nhiều gia đình nông dân ở xã Thọ Xương giàu lên nhờ trồng bưởi.

Nhiều người dân ở đây cho biết, lợi thế lớn nhất của bưởi Luận Văn là được sử dụng trong văn hoá thờ cúng lễ tết. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng bưởi, thời gian tới, các hộ trồng sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tạo hình, tạo dáng, nâng cao vẻ đẹp và thẩm mỹ của quả bưởi hoặc viết thi pháp trên quả để nâng cao giá trị và thẩm mỹ của sản phẩm.

Nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của phát triển cây ăn quả nói chung và cây bưởi Luận Văn nói riêng, những năm gần đây UBND huyện Thọ Xuân đã tổ chức phục tráng bước đầu được một số cây bưởi Luận Văn đầu dòng, xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cũng như duy trì và từng bước phát triển thành sản phẩm có thương hiệu; đồng thời, tập trung khôi phục và phát triển giống bưởi quý hiếm này ra các xã lân cận như Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Trường…

Hiện bưởi Luận Văn đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh nhất là tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... với giá bán ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng, mua về làm quà biếu Tết. Tuy nhiên hạn chế bất cập trong phát triển thị trường của bưởi Luận Văn hiện nay là cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, mẫu mã bưởi Luận Văn chưa đa dạng, chưa có yếu tố ứng dụng công nghệ nên chưa nâng cao giá trị gia tăng. Mặt khác, do chất lượng quả bưởi hạn chế, ngay cả một số cây đầu dòng chất lượng cũng có xu hướng bị suy giảm, chua, tép bưởi khô... nên người mua chủ yếu sử dụng vào việc trang trí, thờ cúng, ít sử dụng làm thực phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, giống bưởi đỏ Luận Văn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Thời gian tới, địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi trên địa bàn; đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm bưởi Luận Văn đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, hình thành được ít nhất 3 chuỗi tiêu thụ sản phẩm trong nước và hoàn thiện các điều kiện để xuất khẩu sang các nước có đông người Việt sinh sống như: Singapore, Nhật, Đức, Mỹ…

Người dân thu hoạch bưởi Luận Văn. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Người dân thu hoạch bưởi Luận Văn. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Để nâng tầm giá trị cây bưởi tiến Vua, UBND huyện Thọ Xuân đang tiến hành lập dự án "Cải tạo và phát triển bưởi Luận Văn đặc sản tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa" với mục tiêu sẽ hình thành vùng sản xuất bưởi Luận Văn tập trung được ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế, giá trị thẩm mỹ và đời sống tinh thần của nhân dân; gắn phát triển bưởi Luận Văn với du lịch sinh thái và kết hợp với du lịch lịch sử, tâm linh.

Đồng thời, xây dựng bưởi Luận Văn thành thương hiệu lớn mạnh của vùng đất Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, khi vùng bưởi Luận Văn cho thu hoạch, số lượng có thể đạt 20.000 quả/ha, giá bán từ 100.000-200.000 đồng/quả (giá thấp nhất) tương đương thu nhập đạt 2 tỷ đồng/ha; tổng giá trị thu nhập đạt khoảng 240 tỷ đồng/năm.

Có thể bạn quan tâm