Xã hội

Đời sống

Buôn bán “chợ trời”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chợ trời” là khái niệm tự phát về thương mại ở các đô thị của Việt Nam đã có từ lâu (có người cho rằng nó có từ thời Pháp thuộc) do người dân buôn bán tự do nhằm trốn tránh sự quản lý của tổ chức hay chính quyền địa phương.

Những người dân buôn bán tự do nhóm họp trao đổi hàng hóa ở những vị trí không cố định, không có xây cất công trình, không lều chợ… Ở đó, họ buôn bán trao đổi đủ thứ vật dụng, hàng hóa, kể cả đồ cổ, lạc xoong. Có người trải tấm bạt dưới đất rồi bày hàng ra bán. Có người chỉ để hàng trong túi xách rồi ngồi tại một vị trí nào đó để trao đổi, mua bán với khách quen…

Ảnh minh họa, nguồn internet

Ảnh minh họa, nguồn internet

Cũng với hình thức buôn bán tự phát nhưng ở vùng thôn quê, người dân tự nhóm họp chợ để trao đổi các mặt hàng nông sản do mình làm ra thì được gọi với cái tên “chợ chồm hổm”. Loại hình này có thể nhóm họp vào buổi sáng hoặc buổi chiều và chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ.

Thời bao cấp, việc mua bán thường diễn ra trong cảnh “ngăn sông cấm chợ” với vô số chuyện cười ra nước mắt. Và, khi “chợ trời” tự phát mọc lên khắp nơi, người dân vẫn mua bán theo quy luật cung-cầu kiểu thị trường tự do, thuận mua vừa bán.

Ở Pleiku lúc bấy giờ, việc cung cấp nhu yếu phẩm và các vật dụng thiết yếu đều phải có tem phiếu, sổ mua hàng, qua mậu dịch quốc doanh, từ cây kim, sợi chỉ đến gạo, thịt… Tuy nhiên, đa phần cung không đủ cầu, giá cả do Nhà nước quy định thường chênh lệch khá xa với thị trường “chợ đen”. Từ đó đã hình thành tầng lớp buôn bán “chợ trời” mà những người chuyên mua đi bán lại để kiếm lời được gọi bằng từ khá phản cảm: Con phe.

Tôi nhớ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài “Tản mạn thời tôi sống” có đoạn: “Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên/Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán/Con phe sục khắp ga tàu bến cảng/Gạo chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương”.

Một thời cơm gạo đè nặng lên cuộc sống thường ngày. Người nông dân làm ra sản phẩm không biết tiêu thụ ở đâu ngoài việc chỉ nhập cho ngành thương nghiệp, lương thực nhà nước với giá rẻ. Đây cũng là thời điểm mà đồng lương viên chức khá bèo bọt, không đủ sống nên đa phần phải “chân trong chân ngoài” để kiếm thêm thu nhập. Người có đất thì trồng thêm rau, nuôi heo, gà, vịt; người sống ở phố thị thì chạy chợ hoặc tranh thủ ngày nghỉ làm thêm để mưu sinh.

Ngày ấy, tại các cửa hàng mậu dịch, ngày nào cũng khá đông người buôn bán “chợ trời” lảng vảng, chờ chực những người có sổ mua hàng, có tem phiếu được mua theo tiêu chuẩn. Những người có tem phiếu nhưng không dùng muốn bán lại thì người buôn “chợ trời” sẽ mua với chênh lệch vài ba giá, sau đó đem bán ra... chợ đen. Có những món hàng ở cửa hàng mậu dịch bán ra chỉ vài đồng nhưng ngoài chợ đen giá có khi đội lên gấp đôi, gấp ba. Trong số đội quân “chợ trời” đó cũng đủ các thành phần, ngoài những người dân chạy chợ chuyên nghiệp còn có cả công nhân, viên chức tranh thủ ngày nghỉ đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Tôi nhớ ở giai đoạn khó khăn ấy, vợ chồng tôi là công chức, viên chức nhà nước từ huyện chuyển công tác về thị xã Pleiku, nơi ăn chốn ở còn phải nhờ vả người thân. Tôi làm công việc hành chính ở công sở ngày 8 tiếng, tranh thủ ban đêm đi làm gia sư cho các gia đình có con còn học phổ thông. Còn vợ tôi dạy học ở trường 1 buổi, thời gian rảnh thì giấu nhẹm “thân phận” giáo viên, tranh thủ gia nhập đội quân “chợ trời”, nhưng cũng chỉ loay hoay mua đi bán lại những vật dụng thiết yếu từ các cửa hàng mậu dịch bán theo sổ hoặc giấy giới thiệu của cơ quan như: giấy vở học trò, pin đèn, áo quần trẻ em, phụ tùng xe đạp… Ngày nào, có chút đồng lời thì phấn khởi, bữa ăn hôm đó của cả nhà có thêm chất tươi, còn ngược lại thì mặt buồn rười rượi.

Rồi những năm tháng âu lo cũng qua đi, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Để hôm nay, khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ lại bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ khiến tôi quay về ký ức, để rồi nhẹ nhàng đọc mấy câu kết: “Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày/Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc/Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực/Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho/Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!”.

Có thể bạn quan tâm