Sức khỏe

Cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại, Gia Lai đứng đầu với 11 ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 27-9, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cùng với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị “Tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng-chống bệnh dại thuộc chương trình quốc gia 2022-2030”.

Tham dự hội nghị có các ông: Nguyễn Lương Tâm-Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Trần Như Dương-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban Quản lý chương trình phòng-chống dại (Bộ Y tế), San Jun Mun-Trưởng phòng Đáp ứng khẩn cấp (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam), Pawin Padungtot-Điều phối viên kỹ thuật cao cấp (Văn phòng Tổ chức Nông Nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc tại Việt Nam). Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Thú y, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục Chăn nuôi-Thú y các tỉnh, thành phố.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày với mục đích tăng cường vai trò của UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo và tham gia vào các hoạt động phòng-chống bệnh dại; bố trí kinh phí nhằm tăng cường hoạt động phòng-chống bệnh dại, đặc biệt tại các tỉnh có số ca tử vong do bệnh dại cao trong giai đoạn 2022-2023. Hội nghị nhằm tăng cường sự tham gia của các lĩnh vực khác bên cạnh ngành Y tế, Thú y về công tác phòng-chống bệnh dại; tăng tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó và quản lý đàn chó; tăng tỷ lệ điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại cho người bị động vật nghi dại cắn.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại; trong đó khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung 9 ca và Tây Nguyên 15 ca. Riêng Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến với 11 ca tử vong do dại (cao nhất cả nước đến thời điểm hiện tại). Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, tổng đàn chó cả nước trên 7,4 triệu con được nuôi tại trên 4,7 triệu hộ gia đình. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên cả nước đạt trên 47%.

Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận tập trung vào tăng cường sự phối hợp đa ngành trong công tác phòng- chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện

Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận tập trung vào tăng cường sự phối hợp đa ngành trong công tác phòng- chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh, các khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương cũng như các tổ chức quốc tế. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận tập trung vào tăng cường sự phối hợp đa ngành, các giải pháp truyền thông tiêm phòng cho đàn chó, quản lý đàn chó, giảm số ca tử vong do dại trên người, đồng thời ưu tiên các giải pháp trọng tâm để thực hiện Chương trình Quốc gia phòng- chống bệnh dại trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Lương Tâm-Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Hiện nay, nguyên nhân tử vong do bệnh dại trên người là do động vật cắn mà không tiêm phòng vắc xin và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp. Đây là hai vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình Quốc gia phòng-chống bệnh dại 2022-2030 nhằm đạt mục tiêu không còn người tử vong do dại tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm