Kinh tế

Nông nghiệp

Cà phê đặc sản hướng đi triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cà phê đặc sản là sản phẩm đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Hiện nay, thị trường cà phê đặc sản chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Do vậy, phát triển cà phê đặc sản được xem là hướng đi triển vọng giúp ngành cà phê Gia Lai khai thác phân khúc thị trường mới.

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đề án được triển khai tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị với tổng diện tích gần 19.000 ha. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha; giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê cả nước. Để triển khai Đề án, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBND về phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; từng bước nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê.

 Sản phẩm cà phê đặc sản của Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên. Ảnh: Phương Mai
Sản phẩm cà phê đặc sản của Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên. Ảnh: Phương Mai


Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước với gần 97.400 ha. Năm 2020, tổng sản lượng cà phê của tỉnh đạt trên 254.000 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 6.837 tỷ đồng. Đây cũng là ngành hàng xuất khẩu chính của tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng cà phê còn thấp nên giá trị thu về chưa cao. Vì vậy, việc phát triển cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản đang được coi là hướng đi triển vọng và bền vững.

Hiện nay, một số hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu phát triển cà phê đặc sản để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xây dựng vùng nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn. Đa số người dân vẫn giữ lối canh tác truyền thống, thu hái theo tự nhiên nên chưa đảm bảo tỷ lệ chín của quả cà phê. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cà phê Gia Lai nói riêng có thể vươn ra thị trường thế giới. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Tam Ba áp dụng các tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ… trong việc tổ chức sản xuất và chế biến cà phê.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ tiêu chuẩn, quy trình đánh giá và xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu phù hợp cho dòng sản phẩm cà phê đặc sản, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý, phát triển ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường, kinh doanh cà phê nói chung, cà phê đặc sản nói riêng. Cùng với đó, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm hỗ trợ phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh; triển khai xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh” trong năm 2020; tiếp tục hoàn thiện hệ thống sẵn sàng cho việc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia và các hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng mô hình trong năm 2021. Những hoạt động này góp phần giúp thông tin của sản phẩm được minh bạch; tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thuận lợi trong thương mại, tăng khả năng tiếp cận thị trường.

 Sản xuất cà phê Lamant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Đức Thụy
Sản xuất cà phê L'amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Đức Thụy


Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu giúp UBND tỉnh phê duyệt triển khai 5 nhiệm vụ gồm: đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê; xây dựng và chuyển giao mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu; chuỗi cung ứng sản phẩm cà phê xuất khẩu của tỉnh: thực trạng và giải pháp; đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh; xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh.

Thời gian đến, Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường phối hợp với các sở, ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê có chất lượng cao trong việc đăng ký chứng chỉ, tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô liên kết… Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp cà phê của tỉnh đưa sản phẩm vào các siêu thị trong nước.

Hiện tại, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh mới chỉ chiếm trên 200 ha. Đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu có trên 1.000 ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích này đạt khoảng 2.300 ha, sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn. Việc từng bước xây dựng và mở rộng diện tích cà phê đặc sản sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường thế giới, tạo động lực cho người dân không ngừng nâng cao chất lượng cà phê.

 

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

 

Có thể bạn quan tâm