Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ca sĩ Bích Mận: Ấp ủ một sản phẩm âm nhạc về Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở hữu giọng nữ cao với sở trường hát dòng nhạc cách mạng nhưng ca sĩ Bích Mận lại khiến khán-thính giả ngạc nhiên khi luôn biến hóa trên sân khấu với nhiều thể loại, từ nhạc giao hưởng thính phòng, dân ca đương đại, nhạc Tây Nguyên, thậm chí cả rock. Ở thể loại nào chị cũng được đón nhận bởi sự nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật.

Hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp hơn 10 năm nay, Bích Mận luôn giữ được hình ảnh đẹp trong lòng khán-thính giả và đồng nghiệp ở Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San bởi tinh thần dấn thân vì nghệ thuật, không ngại thể nghiệm để làm mới bản thân. Người ta vừa thấy một Bích Mận với kỹ thuật điêu luyện, trau chuốt từng câu chữ trong “Mẹ yêu con”, “Người chiến sĩ ấy”… thì đã lại thấy một Bích Mận đầy máu lửa với chất rock hừng hực qua “Ngựa ô thương nhớ”, “Rêu phong”, “Mong đợi mặt trời”.

 

Ca sĩ Bích Mận. Ảnh: M.C
Ca sĩ Bích Mận. Ảnh: M.C

Chưa dừng lại ở đó, chị lại đưa người nghe chìm vào những cảm xúc lắng đọng bằng chất giọng trữ tình, ngọt ngào qua những ca khúc mang âm hưởng dân ca đương đại như “Độc huyền cầm”, “Son”... Bích Mận còn ghi dấu ấn trong lòng người nghe với những ca khúc Tây Nguyên như: “Lên cao nguyên đi anh”, “Này em, Bôrôtôk Bre Mai”, “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên”, “Ngọn lửa cao nguyên”… bởi đã đưa được chất trữ tình, lãng mạn lẫn sự dữ dội, phóng khoáng của đại ngàn lên sân khấu.

Để có thể thể hiện nhiều thể loại với màu sắc khác nhau như vậy là một quá trình rèn luyện, lao động nghệ thuật nghiêm túc. Theo Bích Mận, chị may mắn được hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, được sự dìu dắt, giúp đỡ của thế hệ nghệ sĩ đi trước như các Nghệ sĩ Ưu tú: Thúy Hà, Trương Đức Hà, Ali Việt, nhạc sĩ Khắc Phú… nên có sự trưởng thành nhanh chóng. Không chỉ chỉn chu về chuyên môn, Bích Mận luôn giữ hình ảnh đẹp mỗi khi lên sân khấu bằng sự đầu tư nghiêm túc trong trang phục biểu diễn: khi sang trọng, lúc phá cách hay nền nã truyền thống… Sự đầu tư này theo chị là cần thiết để khán giả không thấy nhàm chán.

Ca sĩ Bích Mận chia sẻ: “Tôi tự thiết kế rất nhiều trang phục nên khá tốn kém về tiền bạc lẫn công sức, nhưng điều đó là xứng đáng. Về mặt này, chính Nghệ sĩ Ưu tú Ali Việt là người truyền cảm hứng cho tôi khi luôn trau chuốt về mặt chuyên môn lẫn hình ảnh. Đó là một bài học để khi nào còn là người nghệ sĩ của công chúng, tôi luôn phải tâm niệm: Dù cuộc sống riêng tư có thiệt thòi, vất vả thế nào, nhưng khi đã bước lên sân khấu thì phải luôn giữ được hình ảnh đẹp. Mỗi năm chúng tôi có trên 100 buổi biểu diễn phục vụ cơ sở lẫn các hội nghị của tỉnh, vì vậy cần nỗ lực để không lặp lại chính mình. Đó cũng là cách để người nghệ sĩ đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng và những đòi hỏi ngày càng cao của khán-thính giả”.

Bích Mận cũng rất tích cực tham gia đảm nhận vai trò MC của Nhà hát trong các chương trình nghệ thuật; là hội viên Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Năm 2016, chị đạt huy chương bạc Liên hoan nghệ thuật 5 nước Đông Dương tại Quảng Trị với ca khúc “Cô gái Tây Nguyên ra thăm Quảng Trị”-một sáng tác của Nghệ sĩ Ưu tú Trương Đức Hà. Trước đó, năm 2011, Bích Mận có chuyến đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ Trường Sa mà theo chị đây là tour diễn đáng nhớ nhất trong đời nghệ sĩ. Chuyến đi giúp chị thấm thía hơn về sự hy sinh và cống hiến để có thêm động lực tiếp tục làm nghề.

Bích Mận nói rằng, vì yêu Tây Nguyên nên chị đang ấp ủ làm một album nhạc về Tây Nguyên. “Đó sẽ là những ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Nguyên, không chỉ nhằm quảng bá về vùng đất tôi đang sống và gắn bó, mà còn để tri ân. Hy vọng khán-thính giả sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, bản sắc văn hóa, tình cảm hồn nhiên của con người nơi đây… như chính tôi đã cảm nhận và yêu thương”.

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm