Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Các họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam: Lê Thiết Cương và hội họa tối giản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 6 - 15.8.

 Họa sĩ Lê Thiết Cương
Họa sĩ Lê Thiết Cương



Giám tuyển của triển lãm - họa sĩ Vi Kiến Thành, cho biết Đổi mới 1986 đã góp phần tạo nên một thế hệ họa sĩ tài năng với những tác phẩm chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế, đồng thời cũng là nhân tố tiên phong thúc đẩy thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Lê Thiết Cương thuộc nhóm họa sĩ trẻ bán tranh cho khách nước ngoài ngay từ những năm đầu đổi mới.

Bán tranh ngay sau "đổi mới"

Họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn nhớ đề nghị của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Vũ Giáng Hương năm 1991. Khi đó, ông vừa tổ chức triển lãm cá nhân xong. Bà Hương, sau khi xem triển lãm, đã đề nghị ông vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. “Đề nghị đó rất cởi mở vì trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam khó và nhiều tiêu chuẩn lắm. Chẳng hạn, phải có 2 hội viên giới thiệu vào đơn xin gia nhập hội, phải từng có triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm. Trước "đổi mới", hội chỉ tổ chức triển lãm cá nhân cho những tên tuổi lớn thôi”, ông Cương nhớ lại.


Những năm 1991 - 1993, không khí đổi mới ở các gallery (phòng tranh) vẫn cực kỳ ít ỏi. “Đại hội Đảng VI quyết định đổi mới vào năm 1986.

Nhưng không có phép thần nào để tinh thần đó hiện diện ngay ở phòng tranh”, ông Cương nói. Thủ đô trước năm 1986 chỉ có 2 phòng tranh: một của Công ty mỹ thuật T.Ư (thuộc Bộ Văn hóa) tại số 7 phố Hàng Khay, một của Công ty mỹ thuật Hà Nội ở phố Tràng Tiền. Cả hai đều của nhà nước và có lợi thế về việc xin phép tổ chức triển lãm. Tới năm 1991, Hà Nội mới có thêm gallery thứ ba, cũng của Công ty mỹ thuật Hà Nội. “Tôi cùng vài ba họa sĩ khác có triển lãm cá nhân tại gallery mới này, nhưng không bán được bức nào”, ông Cương chia sẻ. Tuy nhiên, từ năm 1992, ông Cương bắt đầu bán bức tranh đầu tiên cho khách nước ngoài. Tranh của ông trong thời kỳ này lên giá rất nhanh, khi rất ít họa sĩ có thể bán tranh với giá vài trăm USD thì Lê Thiết Cương đã có bức bán được cả chục ngàn USD.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhớ lại không khí thời điểm ấy: “Trong nước khi ấy người vẽ đã muốn đổi mới. Thế giới cũng muốn tìm hiểu về Việt Nam sau đổi mới, điều họ muốn tìm hiểu nhất trong các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam chính là hội họa”.

 

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương - ẢNH: NVCC
Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương - ẢNH: NVCC


Tối giản một cách tự nhiên

Khi đã thành danh, nhiều người gọi hội họa mà Lê Thiết Cương đeo đuổi là hội họa tối giản. Nhưng ngay từ đầu, họa sĩ Lê Thiết Cương không hề định cho mình con đường này. “Sau này nhìn lại, tôi mới thấy mình đã vẽ tối giản ngay từ đầu”, họa sĩ tâm sự. Có nghĩa là tối giản đến với ông một cách rất tự nhiên, chính ông ngay từ đầu cũng không ý thức được.

Tranh của Lê Thiết Cương có những nét mảng kỳ lạ, có hơi hướng của những nét vẽ trên gốm. Dù diện tích tranh có thay đổi, chất liệu tranh có đa dạng đến đâu, ông vẫn giữ được những nét bút mảnh và mềm mại, được làm chủ về độ dày mỏng, thanh đậm. Một cành sen đu dáng cong, đôi đũa thẳng thớm, những bím tóc dài buông chùng sau lưng áo…, những nét vẽ ấy giống như sự kỳ diệu của những nét vẽ trên gốm cổ - vừa phóng khoáng về đường cong và độ đậm nhạt, vừa có sự nghiêm cẩn của việc tìm kiếm vị trí trên bố cục.

Những mảng màu của ông, trái lại, mang đến sự mênh mang khó lường. Cho dù luôn chấp nhận đủ màu sắc, mỗi bức tranh của ông hầu như chỉ chọn một tông màu chính, rồi hòa thật tan màu sắc ấy trên một mặt phẳng tĩnh lặng. Vì thế, màu ghi là tận cùng ghi, màu xanh cũng tận cùng xanh, yên ả như một mặt nước không hề gợn gió. Nhưng những mặt nước màu ấy gợi cho người xem suy tư về những gì thật sự đang gợn sóng đằng sau. Tranh của ông do đó không gợi nỗi đời yên ả mà như gợi ý về tâm trạng yên tĩnh khi đối mặt với đủ câu chuyện giông gió đời thường.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đọc nhiều, viết nhiều. Ông cũng làm gốm, tổ chức những dự án sách ảnh cho bạn bè. Lê Thiết Cương “cầm cái” những cuộc chơi đó như không, kể cả dự án làm cho vui lẫn làm với nhãn hàng. Thị trường tranh, với ông, như một phần của đời sống.

Song ở đó, ông gửi tranh cho gallery thân thuộc bán, còn mình lại tổ chức các triển lãm để bán tranh cho bạn bè. Mặt tiền gallery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) của ông rộng gần chục mét, luôn để đó để trưng bày tranh của… người khác. Còn lại, mỗi năm hai lần, gallery quen lại đến gom tranh ông sáng tác, trả tiền rồi mang đi.

Theo NGỮ YÊN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm