Kịch bản tăng giá điện thế nào?
Theo nguồn tin của Lao Động, EVN đã tính toán phương án giá bán điện năm 2023. Theo đó, phương án giá bán điện năm 2023 sẽ là 2.162 đồng/kWh (tăng 15,9%) đến 2.243 đồng/kWh (tăng 20,3%) - nếu tính đủ tỉ suất lợi nhuận là 3% và các khoản chênh lệch tỉ giá của các đơn vị phát điện năm 2019-2022. Nếu được phép tính cả khoản lỗ năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân là 2.357 đồng/kWh (tăng 26.2%) so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Theo EVN, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào, gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN.
"Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân chưa được tăng, trong khi chi phí mua điện tăng cao do giá nhiên liệu cho phát điện tăng rất cao và EVN phải huy động tăng các nguồn điện đắt tiền để đảm bảo nhu cầu phụ tải.
Khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện. Và do đó, ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
Cụ thể, theo tính toán của EVN, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh, thì dự kiến tháng 6.2023, EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỉ đồng và đến tháng 12.2023 sẽ thiếu hụt 27.779 tỉ đồng" - EVN cho hay.
Khi nào tăng giá điện?
Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, những khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
Do vậy, Bộ Công Thương cần báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ tháng 3 hoặc tháng 4.2023. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện dựa trên cơ sở khung giá điện đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ban hành vào ngày 3.2.2023, với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.
Để làm được điều này, ngay trong tháng 2.2023, EVN phải hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tính toán, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp. Việc điều chỉnh càng để chậm, thì mức độ điều chỉnh càng lớn do lỗ lũy kế sẽ càng tăng.
EVN đã tính toán các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2023. Ảnh: Cường Ngô |
TS Võ Nhật Vinh - chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp) - cho biết, việc tăng giá điện là cấp bách đối với ngành điện. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có quy trình kiểm toán, xác định chi phí đầu vào tăng bao nhiêu và chi phí đầu ra tương ứng bao nhiêu.
"Ngoài việc chấp nhận một thực tế ngành điện trên toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng, thua lỗ, cần tăng giá điện và ngành điện Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng vai trò của nhà nước phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm nguồn thuế của người được sử dụng một cách minh bạch" - ông nói.
Ông Vinh cũng cho rằng, chi phí sản xuất điện phụ thuộc vào cấu trúc của ngành điện, cấu trúc sản phẩm mà ngành điện cung cấp như thuỷ điện, điện khí, điện than, điện tái tạo (gió, mặt trời). Cho nên, cần phải làm rõ những chi phí đầu tư cơ bản, chi phí cố định, chi phí phụ thuộc theo sản lượng, chi phí nhập khẩu.
"Ví dụ với 1 kWh điện, EVN phải đầu tư để sản xuất như thế nào và chi phí trên mỗi tấn than, mỗi m3 khí nhập vào ra sao. Nếu số liệu rõ ràng, tôi tin rằng, người dân cũng tin tưởng vào những biến động về giá và có thể chấp nhận việc tăng giá điện" - ông nói.