Giáo dục

Tin tức

Các kỳ thi đánh giá năng lực kiểm tra kiến thức gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ xét tuyển. Tuy nhiên, mỗi kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức có cách thức và nội dung kiểm tra khác nhau nên thí sinh cần lưu ý.

MỖI KỲ THI RIÊNG CÓ CÁCH KIỂM TRA KHÁC NHAU

Năm nay, 2 trường ĐH cùng tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính phục vụ tuyển sinh gồm: Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Kết quả các kỳ thi này dự kiến được sử dụng để xét tuyển cho một số đơn vị khác như Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing…

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Trong đó, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức thi 7 môn độc lập gồm: toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Mỗi đề thi có 3 dạng câu hỏi: trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi, và trắc nghiệm trả lời ngắn. Thí sinh (TS) làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan từng môn độc lập trên máy tính hoặc trên giấy trong thời gian 60 phút (riêng môn toán 90 phút).

Tiến sĩ Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết nội dung thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu chương trình lớp 12. Trong đó, khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12, 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11. Đề thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao. Tỷ trọng các đơn vị kiến thức phù hợp để phân loại TS đủ năng lực ứng tuyển vào trường ĐH theo từng ngành, nhóm ngành.

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức năng lực chuyên biệt. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết định dạng đề thi và nội dung câu hỏi bám sát chương trình phổ thông. Do đó, TS không cần quá lo lắng mà chỉ cần ôn tập theo chương trình đã được học, trong đó chương trình lớp 12 chiếm khoảng 70 - 80% nội dung đề thi.

Nếu 2 kỳ thi trên cùng bám sát chương trình phổ thông, thì kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM có cách tiếp cận khác. Theo đó, đề thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng cùng cách tiếp cận với các đề thi ĐGNL phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Cụ thể, đề thi sẽ đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của TS như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ về kiến thức, tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.

CÁCH ĐẠT ĐIỂM CAO NHẤT CÁC BÀI THI

Lưu ý với TS về kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính, tiến sĩ Võ Văn Thật nói: "Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, TS không cần ôn tập hay luyện thi thêm bất cứ nội dung gì. Thay vào đó, các em chỉ cần sử dụng đúng các nội dung mình đã học tại trường THPT để tham gia thi".

Thí sinh tham gia đợt 1 năm 2023 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM

Thí sinh tham gia đợt 1 năm 2023 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM

Cũng theo tiến sĩ Thật, TS được thi nhiều môn và tham gia nhiều đợt thi, được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung lưu ý với TS về đặc trưng của kỳ thi ĐGNL chuyên biệt. Theo đó, trong đề thi có dạng câu hỏi trả lời ngắn, TS cần đọc kỹ đề bài, tính toán cẩn thận và làm theo hướng dẫn để điền kết quả theo đúng yêu cầu, tránh ảnh hưởng đến kết quả làm bài. Ngoài ra, TS dự thi môn tiếng Anh và ngữ văn cần chuẩn bị kỹ năng soạn thảo văn bản trực tiếp trên máy tính để không bị mất thời gian và không bị lỗi khi làm bài thi viết.

Từ thực tế TS dự thi các năm trước, thạc sĩ Trung khuyên: "Bài luận đều có hạn chế số từ, TS cần chuẩn bị bố cục cẩn thận, viết ngắn gọn, súc tích, bám sát yêu cầu đề bài. TS sẽ bị trừ điểm nếu viết dài hơn 10% số từ cho phép".

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đặc trưng của kỳ thi ĐGNL là không yêu cầu TS ghi nhớ kiến thức. Ngay trong đề thi, nhiều thông tin được cung cấp sẵn như: số liệu, dữ kiện, thậm chí các công thức cụ thể. Do đó, TS có phương pháp học tốt, học đúng bản chất vấn đề sẽ có nhiều thuận lợi khi thi. Bài thi ĐGNL sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh nên TS giỏi tiếng Việt và giỏi tiếng Anh cũng là lợi thế. Bài thi sẽ nhẹ nhàng với những người có quá trình chuẩn bị dài hơi, học hiểu bản chất, đọc nhiều, đọc nhanh và có khả năng suy luận tốt.

ĐH Quốc gia Hà Nội: Gần 50.000 chỗ đăng ký ngay trong ngày đầu tiên

Hôm 18.2 là ngày đầu tiên Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) mở cổng đăng ký dự thi ĐGNL học sinh THPT các đợt tháng 3 và 4.

Theo Trung tâm khảo thí, thống kê sơ bộ đến 17 giờ ngày 18.2, số lượng TS đã chọn được ca thi là 49.328, chiếm 93,7% số chỗ thiết kế phục vụ các đợt thi tháng 3 và 4. Số lượng tài khoản ghi nhận trên cổng đăng ký là 121.679. TS khu vực Hà Nội chiếm khoảng 37%, tiếp đó là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa…

Học sinh THPT thi ĐGNL trên máy tính, thời gian từ 195 - 199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực toán học (50 câu hỏi, 75 phút), văn học - ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Quý Hiên

Có thể bạn quan tâm