Sức khỏe

Các loại thuốc thiết yếu cần có trong mỗi gia đình ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian đón Tết, thời tiết và sinh hoạt dễ làm con người bị bệnh. Vì vậy, việc chuẩn bị một tủ thuốc nhỏ trong gia đình, nhất là gia đình có trẻ em, người lớn tuổi hoặc người có bệnh mạn tính là rất cần thiết.

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: Tết là dịp vui xuân, tụ họp gia đình, nghỉ ngơi, nên các dịch vụ về sức khỏe, nhà thuốc thường đóng cửa. Tuy nhiên, bệnh tật nhiều khi khó tránh khỏi, đặc biệt trong thời gian đón Tết, thời tiết và sinh hoạt dễ làm ta ngã bệnh, nhất là các bệnh về hô hấp (cúm, viêm hô hấp trên…), tiêu hóa (ngộ độc thực phẩm, đầy bụng, khó tiêu…), cao huyết áp, đột quỵ… Vì vậy, việc chuẩn bị một tủ thuốc nhỏ trong gia đình là điều rất cần thiết, nhất là gia đình có em bé, người lớn tuổi hoặc người có bệnh mạn tính.

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Linh lưu ý các nhóm thuốc cần có trong gia đình gồm: Thuốc để dành hay còn gọi là thuốc dự phòng. Trong đó, thuốc hạ sốt nên được để sẵn trong nhà, kể cả khi không ốm, vì ta có thể nóng sốt bất kỳ lúc nào. Các loại hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen tùy vào lựa chọn và thói quen sử dụng thuốc của gia đình. Khi mua thuốc hạ sốt nên chuẩn bị các thuốc theo hàm lượng. Ví dụ nhà có trẻ nhỏ nên mua loại thuốc phù hợp với cân nặng của bé như 80mg, 150mg, 250mg, còn người lớn mua loại 500mg.

Thuốc ho: Thời tiết lạnh, trẻ đi lại nhiều nên dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp như chảy nước mũi, ho…Vậy nên cha mẹ cần chuẩn bị sẵn thuốc mà trẻ có thể dùng ngay, không cần đi tìm mua. Có thể mua thuốc ho thảo dược, mua các loại xịt mũi, nước muối sinh lý để làm sạch cơ quan hô hấp, giúp phòng các bệnh lý khác về hô hấp.

Các thuốc chống dị ứng: ở người có cơ địa dị ứng. Người dân có thể chủ động mua ở hiệu thuốc.

Các gia đình cần chuẩn bị nhiều gói oresol trong tủ thuốc gia đình để đề phòng trong nhà có nhiều người cùng bị tiêu chảy, sốt, nôn. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn, tránh pha đặc hay loãng làm mất tác dụng của thuốc. Gia đình nên chọn mua loại oresol gói chứ không mua loại oresol đóng chai như chai nước ngọt.

Các loại men vi sinh, thuốc dạ dày, thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu rất quan trọng phòng rối loạn tiêu hoá trong dịp Tết do việc ăn uống không đúng giờ, ăn nhiều chất đạm và dầu mỡ, giàu tinh bột, chất béo và thiếu chất xơ, rượu bia nhiều.

Thuốc bệnh đang uống: Trong dịp Tết, nếu người vừa qua 1 đợt bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị cần thường xuyên trao đổi với bác sĩ để có được lời khuyên phù hợp nhất.

Người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen, bệnh dạ dày…cần chuẩn bị sẵn thuốc cho mình trong dịp Tết để tránh thiếu thuốc.

Ngoài các loại thuốc trên, một số dụng cụ cấp cứu đề phòng trong các trường hợp xảy ra tai nạn thương tích ngày Tết như: Các loại bông, băng dính y tế, cồn 70 độ, cồn pvp iodin, oxy già, gạc y tế, miếng dán cá nhân…phòng khi bạn hoặc con bị trầy xước.

Khi mua thuốc, người dân nên nhờ tư vấn của thầy thuốc, ghi rõ hướng dẫn cách sử dụng. Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài hoặc có biểu hiện nặng hơn, cần đi khám tại các cơ sở y tế.

Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài hoặc có biểu hiện nặng hơn, cần đi khám tại các cơ sở y tế. Ảnh: Như Nguyện
Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài hoặc có biểu hiện nặng hơn, cần đi khám tại các cơ sở y tế. Ảnh: Như Nguyện

Theo bác sĩ Từ Thị Mai Linh, thuốc cần để riêng ra hoặc tủ thuốc gia đình, tránh xa tầm với trẻ em; thoáng mát, khô, không có ánh nắng chiếu vào. Thuốc dành cho người lớn, trẻ em, người đang dùng thuốc bác sĩ kê cần được để riêng biệt, dán nhãn bao bì.

“Hãy nhớ luôn lưu số điện thoại bác sĩ của bạn, trong những tình huống cấp bách bạn sẽ cần lời khuyên của họ. Bác sĩ của bạn sẽ nắm rõ lịch sử bệnh của bạn và sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất”- bác sĩ Linh khuyến cáo.

Để đảm bảo sức khỏe ngày Tết, việc nâng cao ý thức phòng-chống bệnh là rất cần thiết. Trong đó, mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Trời lạnh phải giữ ấm đầu, cổ, chân; đặc biệt là không ra ngoài trời khi mới vừa uống rượu, bia…để đề phòng cảm lạnh. Chế biến thực phẩm tươi, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh, hạn chế đồ đông lạnh; cũng hạn chế cho trẻ, người bị tiểu đường ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, thạch, nước ngọt để tránh đầy bụng, khó tiêu, tăng đường huyết.

Mọi người cần ngủ đủ giấc, duy trì nề nếp sinh hoạt khoa học, duy trì tốt chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi không có sự xáo trộn. Người có bệnh huyết áp, tiểu đường nên ăn uống điều độ, đặc biệt không dùng nhiều chất kích thích, bia rượu, đồ ngọt và uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ và kiểm tra huyết áp thường xuyên. Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Người bệnh hen, suyễn nên hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, tránh xa khói bụi, nhang đèn. Dự phòng sẵn các loại thuốc và dụng cụ y tế cần thiết.

Có thể bạn quan tâm