Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Các vị thần nữ ở đình Tân An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đình Tân An được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, hiện tọa lạc sát mặt quốc lộ 19, đoạn gần chợ Đồn (phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Đến nay, đình vẫn giữ được nét cổ kính nguyên sơ. Năm 2020, đình Tân An được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tổng thể kiến trúc đình Tân An gồm 6 bộ phận, theo thứ tự từ ngoài vào trong: bình phong-trụ biểu ở sân, dinh cô bên trái, cuối cùng là điện thần ở giữa, nhà tiền hiền bên phải, nhà âm linh bên trái. Trong đó, bình phong và trụ biểu còn khá nguyên vẹn, điện thần và nhà âm linh cũng tương tự nhưng hiện đã xuống cấp, dù Ban Nghi lễ nhiều lần nỗ lực trùng tu, nhà tiền hiền được làm lại đơn giản bằng vách xi măng mái lợp ngói móc sau khi bị sập đổ.

Dinh cô là miếu nhỏ xây bằng gạch, phần trên có 3 vách xi măng tô, mái lợp ngói. Theo văn tự viết tại dinh, đây là nơi trú ngụ của nữ thần, mà khả năng là tọa vị của Hỏa hồng thần nữ-vị nữ thần quản việc khói lửa được dân gian thờ gần các khu chợ.

Lễ tế thần Quý Thu tại đình Tân An. Ảnh: L.H.S

Lễ tế thần Quý Thu tại đình Tân An. Ảnh: L.H.S

Xem danh sách các vị thần chính được thờ cúng tại đình Tân An được ghi chép trong sắc thần, văn tế thì thấy, nơi đây vai trò của các nữ thần chiếm phần trội hơn so với nam thần. Trong bảo vật trấn đình là 2 đạo sắc phong năm 1911 thời Duy Tân ban cho thôn Tân An xưa công nhận chính thức 6 vị thần ở địa phương, thì đã có đến 5 vị chắc chắn là nữ, bởi “Ngũ đức tôn thần” gồm Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ ghi trong sắc được dân gian gọi là “Mẹ Ngũ hành”, “Bà Ngũ hành”, “Ngũ hành nương nương”, “Ngũ hành tiên nương”, “Năm cô” hay văn cúng tại đây viết là “Ngũ hành chư cô” chỉ rõ giới tính các thần.

5 vị này được đứng chung trong một đạo sắc, chúng tôi xin dịch nghĩa toàn văn như sau: “Sắc cho thôn Tân An thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định phụng thờ Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ ngũ đức tôn thần. Các ngài giúp nước che dân, linh ứng đã lâu, trước đây chưa được ban cấp sắc văn, nay ta lĩnh mạng trời giao, nghĩ đến công lao các ngài, phong tặng mỹ hiệu là: Trai thục-Dực bảo-Trung hưng-Trung đẳng thần. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ. Mong các ngài che chở cho con dân của ta. Nay sắc. Ngày mùng 8 tháng 6 nhuận, năm Duy Tân thứ 5 (1911)”.

Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt (chủ yếu là người Kinh), tục thờ Ngũ hành là tín ngưỡng phản ánh khá rõ nét tư duy triết học của người phương Đông về sự hình thành và vận động của vạn vật thông qua mối quan hệ “tương sinh” và “tương khắc” giữa các sự vật hiện tượng, điều này có sự tương đồng với tư duy triết học biện chứng của người phương Tây.

Tại Gia Lai, tuy không có miếu, điện riêng với bảng biểu ghi rõ thờ Ngũ hành như thấy ở Hội An, Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… nhưng ngoài đình Tân An, còn thấy ở đình An Khê (thị xã An Khê) và đình An Thuận (xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng có sắc phong của nhà Nguyễn công nhận chính thức tín ngưỡng Ngũ hành ở địa phương với tên gọi hơi khác là “Ngũ hành tiên nương”.

Về phẩm trật, Ngũ đức tôn thần ở đình Tân An được xếp vào hàng “Trung đẳng thần” (bậc 2), là đạo sắc duy nhất tại Gia Lai có thứ bậc này, các sắc còn lại hoặc xếp vào bậc “Thượng đẳng thần” (bậc 1) hoặc “Chi thần”, “Tôn thần” (bậc 3). Vì vậy có thể nói, đây là điểm đặc sắc riêng biệt của đình Tân An so với các ngôi đình khác tại Gia Lai có sắc thần.

Trong văn cúng tại đình Tân An, xuất hiện thêm một số vị nữ thần khác, ngoài Hỏa hồng thần nữ kể trên, còn có Thiên Y A Na gốc Chàm được dân gian gọi là “Bà Thiên Y” hoặc “Bà A Na” được thờ cúng gần như ở hầu hết các đình miếu vùng An Khê, Đak Pơ.

Riêng vị thần có tôn hiệu “Trung động Bạch thố kim tinh thần nữ nương nương” được ghi trong văn cúng tại đây, gốc gác có thể ở tận Nhật Bản theo các thương nhân xứ Phù Tang du nhập vùng Hội An, Quảng Nam nước ta rồi theo di dân xứ Quảng lên An Khê. Trong tín ngưỡng của người Nhật, vị thần này có quyền năng tiêu trừ các bệnh ngoài da, xe duyên cho nam nữ, giúp những người làm ăn xa quê sớm thành công hồi hương. Hội An đối với người Nhật là đất khách, An Khê đối với người Việt xưa cũng là đất khách, vì thế những người tha phương như họ cùng chung niềm hoài vọng cố hương. Tuy nhiên, sau khi sang Việt Nam, tín ngưỡng Bạch thố của người Nhật đã được người Việt bản địa hóa, cho nhập vào hệ thống tín ngưỡng nữ thần, dân gian thường gọi ngắn gọn thân thương là “Bà Bạch”.

Một góc đình Tân An. Ảnh: Lưu Hồng Sơn

Một góc đình Tân An. Ảnh: Lưu Hồng Sơn

Vị thần thứ 6 ở thôn Tân An được nhà Nguyễn chính thức phong tặng danh hiệu, ban sắc riêng, lệnh cho dân chúng phải thờ phụng nghiêm trang là thần Thành hoàng làng. “Thành hoàng” là vị thần bảo hộ thân quen ở tất cả các ngôi làng người Kinh xưa; tuy nhiên, khi nhắc đến tôn hiệu của thần, dân gian không xác định rõ giới tính nam hay nữ như trường hợp “Bà Ngũ hành”. Thực tế, trong hệ thống Thành hoàng Việt Nam, có cả nam thần và nữ thần, tuy nhiên phần nhiều vẫn là “Ông Thành hoàng”, nên đối với những Thành hoàng không rõ lai lịch sự tích, người ta mặc nhiên xem đó là một vị nam thần.

Đình Tân An trở thành ngôi nhà chung của các vị thần nữ từ nhiều nguồn gốc khác nhau, từ Việt đến Champa, Nhật Bản. Nếu kể thêm thần Bạch Mã (danh hiệu ghi trong văn tế) phi giới tính cũng được thờ cúng tại đây nguồn gốc từ Ấn Độ, thì chúng ta càng thấy rõ hơn nữa tính quốc tế trong giao lưu văn hóa tín ngưỡng tại vùng đất An Khê xưa được biểu hiện một cách rộng rãi mà sâu sắc, độc đáo như thế nào qua trường hợp đình Tân An.

Có thể bạn quan tâm