Kinh tế

Nông nghiệp

Cấm hoạt chất Chlorpyrifos, EU giáng "đòn đau" vào ngành hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dù giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) được điều chỉnh gia hạn đến tháng 10/2020 nhưng việc các nước EU cấm hoạt chất Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl trong nông sản được đánh giá là giáng đòn đau vào ngành hồ tiêu.

 

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Dự thảo quy định, mức dư lượng tối đa của tất cả các sản phẩm có chứa hoạt chất Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl sẽ giảm xuống 0,01 mg/kg và sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020.

Theo Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa Chlorpyrifos không đáp ứng các tiêu chí phê duyệt áp dụng cho sức khỏe con người.


 

Việc EU cấm hoạt chất Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl được đánh giá là giáng
Việc EU cấm hoạt chất Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl được đánh giá là giáng "đòn đau" vào ngành hồ tiêu Việt Nam cũng như thế giới.



Trước đó, tại cuộc họp cuối năm 2019, các nước EU đã bỏ phiếu cấm hoàn toàn thuốc BVTV có chứa hoạt chất Chlorpyrifos trên thị trường châu Âu. Sau khi bỏ phiếu cấm Chlorpyrifos và gửi thông báo tới WTO, EU đã ban hành Quy định thực thi số EU 2020/17 và EU 2020/18 vào giữa tháng 1/2020.

Đáp lại động thái này của EU, ngành công nghiệp gia vị thế giới đã có những phản ứng mạnh mẽ vì đây là ngành tạo ra sinh kế cho nông dân ở nhiều nước đang phát triển.

Việc hạ mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl của EU - vốn là thị trường lớn nhất trên thế giới, sẽ gây ra mất mát lớn trong chuỗi cung ứng công nghiệp gia vị toàn cầu.

Ngày 17/1, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), đại diện của thành viên là các nước sản xuất hồ tiêu đã phối hợp với Chính phủ và ngành công nghiệp gia vị đã gửi thư đến EU, yêu cầu về thời gian chuyển tiếp dài hơn để các nước thành viên IPC tuân thủ quy định mới.

Bản thân các quốc gia thành viên của IPC như Malaysia, Việt Nam cũng gửi công văn với yêu cầu tương tự, đề nghị xem xét kéo dài thời gian chuyển tiếp khả thi hơn.


 

Ngành công nghiệp gia vị thế giới đã có những phản ứng mạnh mẽ vì đây là ngành tạo ra sinh kế cho nông dân ở nhiều nước đang phát triển.
Ngành công nghiệp gia vị thế giới đã có những phản ứng mạnh mẽ vì đây là ngành tạo ra sinh kế cho nông dân ở nhiều nước đang phát triển.



IPC cũng liên kết với các tổ chức liên quan để nêu lên ý kiến đầy đủ đến WTO. Mới đây, ngày 7/2, Hiệp hội gia vị châu Âu (với hơn 400 thành viên là công ty có trụ sở tại châu Âu) đã yêu cầu thời gian chuyển tiếp thích hợp là 2 năm cho đến khi MRL mới có hiệu lực; cũng như miễn thu hồi các sản phẩm đã được sản xuất và hiện đang lưu thông trên thị trường.

Tương tự, Hiệp hội Thương mại gia vị quốc tế (IOSTA) cũng đưa ra yêu cầu miễn thu hồi cho các sản phẩm hiện có trên thị trường; thời gian chuyển tiếp hợp lý hơn cho đến năm 2023. Đồng thời, việc thành lập MRL dựa trên tính khả thi kỹ thuật, có tính đến những thách thức không tránh khỏi trong chuỗi cung ứng và sự tồn tại của môi trường có hóa chất.

Trước các động thái trên, tại cuộc họp vào ngày 17-18/2; mức dư lượng tối đa của tất cả các sản phẩm có chứa hoạt chất chlorpyrifos và chlorpyrifos-methyl được EU quy định sẽ giảm xuống 0,01 mg/kg và sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020.


 

Hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng lớn vì thời gian chuyển tiếp quá ngắn đối với loại thuốc BVTV được đang sử dụng tương đối rộng rãi này.
Hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng lớn vì thời gian chuyển tiếp quá ngắn đối với loại thuốc BVTV được đang sử dụng tương đối rộng rãi này.



Tuy nhiên, mức MRL mới là 0,01 mg/kg cùng thời gian có hiệu lực vào tháng 10/2020 được các chuyên gia cảnh báo sẽ tạo ra những biến cố đáng kể lên ngành nông nghiệp và các bên liên quan, kể cả ngành công nghiệp gia vị.

Với chu kỳ trồng trọt trong ngành gia vị (thu hoạch, xuất khẩu và thương mại) phải mất ít nhất 3 năm, nông dân sẽ không chỉ mất một công cụ quan trọng trong việc quản lý côn trùng gây hại, làm giảm năng suất, mà còn không thể xuất khẩu sản phẩm có chứa dư lượng sang EU. Trong trường hợp xấu nhất, viễn cảnh này sẽ kéo dài trong 2-3 năm.

Hơn nữa, liên quan đến hồ tiêu, các MRL mới sẽ giáng một đòn mạnh vào xu hướng giảm giá tiêu đang diễn ra do nông dân phải bắt đầu tìm thuốc trừ sâu sinh học khác để thay thế chlorpyrifos với chi phí cao hơn nhiều nếu muốn giữ sản lượng.


 

 Việc hạ mức MRL đối với Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl của EU sẽ gây ra mất mát lớn trong chuỗi cung ứng công nghiệp gia vị toàn cầu.
Việc hạ mức MRL đối với Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl của EU sẽ gây ra mất mát lớn trong chuỗi cung ứng công nghiệp gia vị toàn cầu.



Theo VPA, hoạt động thương mại hồ tiêu sẽ bị ảnh hưởng lớn vì thời gian chuyển tiếp quá ngắn đối với loại thuốc BVTV được đang sử dụng khá rộng rãi này.

Điều ngày cũng đồng nghĩa với việc tất cả các sản phẩm đã được sản xuất cũng như đang ở trên kệ hàng không đáp ứng yêu cầu MRL mới và cần phải tiêu hủy. Như thế sẽ gây lãng phí tài chính nghiêm trọng đến ngành thương mại hồ tiêu.

Việc triển khai các MRL mới vào tháng 10/2020 còn gây ra sự gián đoạn đáng kể nguồn cung gia vị từ Indonesia, Việt Nam, Brazil – các nước cung cấp hồ tiêu cho hầu hết các quốc gia nhập khẩu của châu Âu.

Mặt khác, với viễn cảnh các lô hàng bị từ chối nhập vào EU do dư lượng chlorpyrifos được dự báo sẽ gây ra khan hiếm lượng hồ tiêu dự trữ ở các nước châu Âu. Hiện tại, Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl vẫn được phép sử dụng trong ngành nông nghiệp tại mốt số quốc gia cung cấp hồ tiêu cho châu Âu.

 

http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/cam-hoat-chat-chlorpyrifos-eu-giang-don-dau-vao-nganh-ho-tieu-1062013.html

Theo Nguyễn Vy (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm