Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cảm hứng âm nhạc dân gian Tây Nguyên vẫn luôn cháy bỏng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa tháng 5/2022, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022.
Các nhạc sĩ, nghệ sĩ từ 20 tỉnh thành các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên đã tề tựu về phố núi để gặp gỡ, giao lưu âm nhạc. Đây cũng là cơ hội để công chúng phố núi có thể thưởng thức nhiều ca khúc, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc trong suốt những ngày liên hoan.
Trong không khí lễ hội, Liên hoan đã tổ chức tọa đàm “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay”. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ bàn luận về những gì được và chưa được liên quan đến âm nhạc dân tộc tại khu vực Tây Nguyên; tìm ra các phương thức sáng tạo sao cho âm nhạc vang lên đồng điệu với hơi thở đời sống hiện tại, tôn vinh được bản sắc độc đáo của giai điệu dân gian Tây Nguyên; để từ đó ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm âm nhạc dân tộc có sức lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ra với thế giới.
Nhạc sĩ, PGS.TS. Đỗ Hồng Quân chủ trì buổi tọa đàm, cho rằng âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay là một đề tài lớn. Bởi càng đi sâu vào âm nhạc dân gian Tây Nguyên thì càng nhận ra sự sâu thẳm, đó không chỉ là tiết tấu sôi động, là thang âm, điệu thức phong phú mà còn là trầm tích thế giới nội tâm của con người… Ban tổ chức không muốn cuộc tọa đàm chỉ đơn thuần là buổi thuyết trình các bản tham luận nặng về học thuật và lý thuyết của các nhà lý luận nghiên cứu, mà mong muốn trao đổi kinh nghiệm sáng tạo, cần nghe ý kiến của các nhà thực hành - những người trực tiếp sáng tác và biểu diễn.
 
Một tiết mục biểu diễn tại buổi tọa đàm.
Một tiết mục biểu diễn tại buổi tọa đàm.
12 tham luận gửi đến cuộc tọa đàm đã đóng góp nhiều ý kiến cho thấy âm nhạc dân gian Tây Nguyên là một tổng thể trong đời sống âm nhạc của các dân tộc Việt Nam; âm nhạc Tây Nguyên rất phong phú đa dạng và phức tạp, còn rất nhiều đề tài, chất liệu để các nhạc sĩ có thể khai thác về thể loại ca khúc, nhạc cụ, diễn tấu, khí nhạc... Người Tây Nguyên sống dựa vào rừng núi, sông ngòi. Văn minh, văn hóa Tây Nguyên đều từ rừng. Vì vậy âm nhạc cũng nghe như vang lên từ thác nước, con thú kêu, tiếng chim hót, tiếng rừng xô xào xạc… Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác văn hóa phi vật thể, truyền miệng của thế giới” là một giá trị tiêu biểu… Một số tham luận đi sâu vào phân tích rõ hơn như: “Cồng chiêng Bình Định hòa cùng dòng chảy âm nhạc Tây Nguyên” của nhạc sĩ Thế Tuyên; “Khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Êđê để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc cho tác phẩm của một số nhạc sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Trầm Tích; “Phân khu âm nhạc vùng Tây Nguyên” của nhạc sĩ Y Phôn Ksor; “Bắc Ninh sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Nguyễn Trung...
Kho tàng văn hóa, âm nhạc dân gian Tây Nguyên luôn khẳng định sức sống bền vững theo thời gian. Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm với tham luận “Âm nhạc trong trường ca, sử thi Tây Nguyên” đã giới thiệu các giá trị đặc sắc của âm nhạc Tây Nguyên. Bà cho biết: “Điều tra sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” tiến hành từ năm 2001 đến 2007 đã thống kê được một số lượng khổng lồ gồm 513 tác phẩm với dung lượng mỗi tác phẩm hàng chục cuốn băng. Hát kể chính là phương thức chủ đạo, nổi bật nhất của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng để chuyển tải câu chuyện. Nội dung cốt chuyện thông qua hát kể đã trở nên hoàn toàn được âm nhạc hóa. Người Êđê có hát kể Klei khan; người Bâhnar có hát kể H’amon; người Jrai có hát kể H’ri… Bà kiến nghị các giá trị sử thi, hát kể này rất cần được lưu giữ và đặc biệt là phải làm cho công chúng được biết đến thông qua xuất bản sách, băng đĩa, trang web… Bà kêu gọi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có kế hoạch sân khấu hóa làm phim một số sử thi tiêu biểu; Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có kế hoạch đưa sử thi vào trường học, ngành văn hóa phải mở các lớp truyền dạy hát kể sử thi…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu khái quát một số đặc điểm của việc sáng tác và biểu diễn âm nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên thời gian qua. Nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý đến “thang âm Tây Nguyên”. Nhiều nhạc sĩ đã chú ý đến đặc điểm thang âm đặc sắc khi sáng tác về Tây Nguyên. Khí nhạc có thể nhắc đến các nhạc sĩ Đàm Linh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý… Hình ảnh cây kơ nia có trong nhạc của Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân… Không gian diễn xướng là những cánh rừng là điều rất cần, bởi nó sẽ nâng tác phẩm lên rất nhiều. Năm 2021, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” công diễn đã đánh dấu thành công mới trong lĩnh vực âm nhạc của tỉnh Đắk Lắk, là dấu hiệu rất đáng mừng, bởi nó góp phần bảo tồn văn hóa, bản sắc huyền thoại độc đáo này.
Nhạc sĩ, NSƯT A Duh (Kon Tum) lo lắng cho sự mai một của âm nhạc Tây Nguyên, bởi thứ âm nhạc cao vợi ấy chỉ còn lưu giữ trong lòng các nghệ nhân gần đất xa trời. Vì thế rất cần đẩy mạnh hơn nữa việc trao truyền cho thế hệ trẻ. Ông cũng đề nghị việc sáng tác dựa trên nền âm nhạc Tây Nguyên, các nhạc sĩ cần giữ nguyên giai điệu nguyên thủy, sau đó căn cứ vào những cái gốc đó để phát triển. Nếu biết tận dụng những giai điệu ấy và làm cho nó hay hơn nữa thì mới đúng là phát triển, sáng tác.
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (Gia Lai) với tham luận “Âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam” cho rằng phần lớn các nhạc sĩ Tây Nguyên được sinh ra từ miền quê khác nhau, nhưng có đặc điểm chung, là coi mình như một phương án chưa hoàn thành để từ đó lao vào tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo những công trình vượt lên cả chính mình. Có thể khẳng định, sự lan tỏa của âm nhạc dân gian cổ truyền vào sáng tác nhạc mới luôn là đề tài được giới văn nghệ sĩ quan tâm, trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ trẻ hiện nay. Cảm hứng âm nhạc dân gian Tây Nguyên vẫn còn cháy bỏng trong sáng tác âm nhạc hôm nay.
Theo Hồ Đăng Thanh Ngọc (Báo Đắk Lắk)
 

Có thể bạn quan tâm