Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cảm ơn bánh thuẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tháng chạp qua thêm một ngày là xóm làng thêm một vị ngọt của những cái “bánh trần” như bánh in, bánh nổ, bánh thuẫn...
Nắng tháng chạp soi vào từng cái bánh thuẫn, nhắc nhau rằng tết sắp về.
Nắng tháng chạp soi vào từng cái bánh thuẫn, nhắc nhau rằng tết sắp về.
Đó là các loại “bánh quê”, không có giấy bao, làm xong là hong nắng đầy sân khiến ai nấy đều nghe bâng khuâng mùi tết.
Là nói mùi tết ở nông thôn. Chứ ở phố, bánh bán đầy, sắc màu rực rỡ coi đã con mắt lắm, nhưng mùi ngọt thì chẳng “thấy” đâu. Có lẽ vậy mà bữa kia mới đăng cái hình làm bánh thuẫn được vài giây thì nhỏ bạn ở phố đã nhảy vào: “Mày ác vừa thôi! Nỗi nhớ quê đang tràn trề trong lòng tao nè”.
Ai không biết chứ riêng tôi thuở nhỏ, bánh thuẫn là bánh thần tiên. Mùi bánh thuẫn như một lời reo: “Tết sắp về!”. Để có một mùa bánh thuẫn đúng chuẩn, mẹ và chị tất bật sắp xếp cả tuần trước đó với đủ thứ nguyên liệu. Nào là bột bình tinh, bột năng, bột vani, đường cát trắng, trứng gà... Tôi ghét nhứt là bị sai “oánh” trứng gà hòa với đường và bột. Mỏi nhừ cả hai tay nhưng chị dòm thấy chưa được là “oánh” tiếp, cho tới khi nào thau bột nổi bông, đặc quánh và mịn màng mới thôi.
Hồi hộp nhứt là lúc mẹ nhỏ thử một giọt bột sệt vô chén nước. Giọt bột không tan. Mẹ gật đầu thì tôi mới thở phào. Nhớ có lần rưng rưng với chị: “Em mới 12 tuổi mà lao động nặng!”. Mẹ nghe, nói để đó, con chạy chơi đi. Chị phán một câu lạnh như nước đá: “Khi ăn, em có nghĩ tuổi ít thì ăn ít không?”. Hồi đó tôi kết luận một cách đầy ai oán: Mình có hai mẹ: mẹ ruột và... mẹ ghẻ!
Nhiệm vụ đánh bột “vẻ vang” vừa xong thì chị lại sai chặt cọng chuối, cắt một đoạn ngắn. Chị dùng nó làm que nhúng dầu ăn thoa vào từng ổ bánh trong khuôn. “Mẹ ghẻ” khéo tay lắm, múc bột đổ vô từng ô bánh, ô nào ô nấy bột vừa tới mép, đều tăm tắp. Tôi bám bếp. Không phải tôi muốn nhìn cái “quy trình” đổ bánh mà là ngồi chờ bánh chín. Cái khuôn bánh thiệt là tội: Dưới là than đỏ rực, trên cũng than rực đỏ.
Độ vài phút chị mở nắp khuôn một lần. Chị thử độ chín bằng cách châm que tăm vào ruột bánh. Rút ra thấy đầu mũi tăm không dính bột là bánh chín. Chị thì mong bánh nào cũng nở. Tôi thì mơ cái nở cái không. Cái không nở gọi là bánh “thầy tu”. Và tôi được cho vài cái bánh như vậy. Đựng bánh trong vạt áo, tôi chạy ra hiên, nghe tim rung lên. Tôi ngồi trên thềm nhà, nhấm nháp từng chút bánh, thầm mong không có thằng bạn nào đi qua ngõ lúc này.
Cả một trời xuân ngọt ngào thì thào với tôi qua mặt lưỡi. Trứng gà ai chả biết. Nhưng trứng “lặn” trong bánh thuẫn thì thơm cái mùi “mới mẻ” lắm, nói theo kiểu bây giờ là thơm một cách “tinh khôi”. Bột bình tinh giờ thôi trắng, chuyển sang màu vàng mỡ màng, thơm dịu dàng, thơm cái kiểu điệu đàng cùng với bột vani. Chợt nghĩ “ông” nào đặt ra cái tết thật thú vị. “Bà” nào nghĩ ra cái bánh thuẫn thật tuyệt vời.
Tôi cũng hay lăng xăng giúp “hai bà mẹ” xếp bánh ra nong hong trước sân. Nắng tháng chạp “đi” vào từng cái bánh, làm bánh thêm thơm, vỏ bánh khô giòn để khi cắn, ta có thể nghe thầm những tiếng reo khe khẽ... Hong như vậy để bánh được lâu, có khi hết tháng giêng bánh vẫn còn cái “duyên” ngọt ngào như tết chưa qua. Có một điều tôi giấu kín quyết không khai là ngày đó, tôi hay “làm siêng” trở bánh giữa trưa. Mỗi lần “trở” như vậy tôi đều làm rớt một cái bánh xuống đất rồi lượm lên, phủi vài cái, bỏ tọt vô túi quần. Phải “làm rớt” mới an toàn. Chị phát hiện, thấy bánh dính đất là cho luôn, còn dặn lần sau em trở bánh cẩn thận nhé!
Giữa một rừng bánh “nhập”, may mắn thay, xóm tôi hơn trăm nhà vẫn còn được vài chục nhà làm bánh thuẫn đón tết. Mùi bánh vừa đánh thức những mùa xuân xưa, vừa phả vào xóm thôn vị ngọt xuân này. Và như thế tôi thấy mình có lý do để cảm ơn bánh thuẫn!
Trần Cao Duyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm