Kinh tế

Nông nghiệp

"Cam ông Lộc" trên đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Bén duyên” với mảnh đất Gia Lai khoảng 7 năm nay, những vườn “cam ông Lộc” đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Mùa thu hoạch cam tập trung vào dịp đón năm mới nên nông dân càng thêm phấn khởi.
 

Từ cây cam lai ghép

Năm 1960, ông Phạm Quang Lộc (SN 1927, ở làng Hoành, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa)-nguyên Phó Giám đốc Nông trường Sông Con (tỉnh Nghệ An) thấy 1 cây cam lạ do chủ đồn điền người Pháp trồng còn sót lại trong khuôn viên Nông trường Sông Con. Theo dõi trong thời gian dài, ông nhận thấy, cây cam này ra hoa kết quả tốt tươi, chất lượng quả thơm ngon. Từ đó, ông mày mò nghiên cứu, lấy “mắt” từ cây cam đem lai ghép với gốc bưởi giống ở địa phương.

Sau khi lai ghép, cây cam phát triển rất tốt, khi chín quả màu vàng tươi, ruột mọng nước, có vị ngọt thanh, thơm đậm đà rất đặc trưng, số lượng quả hơn hẳn nhiều giống cam khác. Ông đặt tên cam lai ghép thành công là cam Sông Con, rồi đăng ký chỉ dẫn địa lý với địa danh Vinh nên một số người thường gọi là cam Vinh. Tuy vậy, đa số các nhà khoa học, nhà quản lý và bà con trồng cam vẫn gọi cam Sông Con là “cam ông Lộc”.

Từ đó, giống “cam ông Lộc” trở nên nổi tiếng và được các Nông trường: Sông Con, Cờ Đỏ, Xuân Thành, Đông Hiếu, Tây Hiếu và người dân tỉnh Nghệ An trồng khắp nơi. Sản lượng “cam ông Lộc” không ngừng tăng lên, các nông trường quốc doanh thời đó vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu ra nước ngoài.

 Anh Hồ Đăng Thành thu hoạch “cam ông Lộc” tại thôn 4 (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Cư
Anh Hồ Đăng Thành thu hoạch “cam ông Lộc” tại thôn 4 (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Cư


Ghi nhận đóng góp này, ngày 8-12-2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tặng bằng khen cho ông Phạm Quang Lộc vì có thành tích chọn lọc và phát triển giống cam Sông Con. Trước đó, vào ngày 29-8-1977, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nghiêm Xuân Yêm cũng đã công nhận sáng kiến “Tìm tòi chọn lọc, phát triển giống cam Sông Con” và khen thưởng ông Lộc.

“Thật vui mừng khi được Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận công sức đóng góp của tôi. Vui hơn nữa là giống cam do tôi nghiên cứu, lai ghép thành công được người dân gọi bằng chính tên mình và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người”-ông Lộc bộc bạch.

Đến những vùng cam trĩu quả

Thời điểm này, “cam ông Lộc” đang vào mùa thu hoạch, giá bán ra thị trường từ 25 đến 35 ngàn đồng/kg. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: “Toàn huyện có khoảng 70 ha cam, trong đó, “cam ông Lộc” 40 ha. Diện tích trồng giống cam này được mở rộng trong 5 năm nay, tập trung ở các xã: Sơn Lang, Sơ Pai, Lơ Ku, Kông Lơng Khơng. Nhờ “cam ông Lộc” mà nhiều hộ dân có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cà phê”.

Ở làng Kóp (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa), ông Nguyễn Duy Đô trở nên khá giả nhờ giống cam này. Ông vinh dự được bình chọn là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Thành tích nổi bật của ông là cải tạo hơn 3 ha đất núi đồi thành trang trại cây ăn quả. Tại đây, ông trồng vải thiều Bắc Giang, chanh đào Hòa Bình, bưởi đỏ Thanh Hóa, bưởi Diễn, bưởi da xanh Bến Tre, táo gió Ninh Thuận, táo xanh Phan Rang, cam Đường Canh, đặc biệt là giống “cam ông Lộc”.

Ông Đô nói: “Vườn “cam ông Lộc” mới thu hoạch được 4 năm nay. Trong 3 năm gần đây, tôi đều thu về 400 triệu đồng/ha/năm. Năm 2018, tôi trồng thêm 1 ha nữa. Nếu giá ổn định ở mức 25.000 đồng/kg tại vườn thì có thể thu tiền tỷ từ hơn 2 ha “cam ông Lộc”.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam đang vào vụ thu hoạch, anh Hồ Đăng Thành (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) kể: “Năm 2014, tôi quyết định mua giống “cam ông Lộc” từ quê hương Nghĩa Đàn (Nghệ An) đưa vào xã Ia Hlốp trồng trên 5 sào đất vườn. Năm 2017, cam cho thu bói đạt hơn 60 triệu đồng. Dự kiến năm nay sẽ thu khoảng 270 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả mang lại, năm 2018, tôi đầu tư trồng thêm 5 sào. Sang năm 2021, hy vọng sẽ thu hơn 400 triệu đồng từ vườn “cam ông Lộc”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: “Qua theo dõi tại các địa phương, cây “cam ông Lộc” phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác ở tỉnh ta. Loại cam này quả đẹp, ngọt nước. Do nhu cầu thị trường mở rộng nên hy vọng, người trồng “cam ông Lộc” còn khấm khá hơn khi đầu tư vào cây trồng bền vững này”.

 

HOÀNG CƯ
 

Có thể bạn quan tâm