Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Campuchia triển khai xây dựng Kênh đào Phù Nam - Techo trong năm nay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Khmer Times ngày 18/1 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông và Công chính Campuchia Peng Ponea, Dự án Kênh đào Phù Nam - Techo kết nối sông Mekong với tỉnh Kep ven biển ở Campuchia dự kiến động thổ vào quý IV năm nay.
Đồ họa kênh đào Phù Nam- Techo. Ảnh: CDC

Đồ họa kênh đào Phù Nam- Techo. Ảnh: CDC

Dự án đường thủy và hệ thống hậu cần sông Basac nối từ sông Basac – một phân lưu của sông Mekong ra biển được đặt tên là dự án “kênh đào Phù Nam - Techo” tại phiên họp toàn thể Quốc hội lần thứ 6 ngày 19/05/2023 và sau đó ngày 07/06/2023, chính phủ Campuchia quyết định thành lập Ủy ban liên bộ để triển khai dự án này.

Ngày 11/10/2023, tại Phnom Penh, Ủy ban liên bộ Campuchia do Phó Thủ tướng Sun Chanthol đứng đầu đã thảo luận với đại diện tổng công ty cầu đường Trung Quốc (CRBC) về dự thảo khung xây dựng kênh đào Phù Nam- Techo.

Dự thảo khung về thỏa thuận xây dựng kênh đào sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra và ký kết, sẽ xác định rõ tiềm năng, cũng như tác động của dự án đối với Campuchia.

Kênh Phù Nam – Techo có chiều dài 180 km, rộng 100 ở thượng nguồn và 80 m ở hạ nguồn, độ sâu 5,4 m, đi qua 4 tỉnh (Kandal, Takeo, Kampot và Kep) với 1,6 triệu người sinh sống hai bên bờ. Kênh có 2 làn để tàu thuyền tránh nhau an toàn. Dự án xây dựng 3 đập thủy điện, 11 cây cầu, lối đi ven bờ dài 208 km, cung cấp hỗ trợ giao thông thủy cũng như cơ sở hạ tầng xuyên sông khác.

Dự án ước tiêu tốn khoảng 1,7 tỉ USD và mất 4 năm xây dựng.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, dự án giúp Campuchia tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng đường thủy, góp phần phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, cũng như tăng trưởng bất động sản.

Tuy nhiên, việc Campuchia xây dựng tuyến giao thông đường thuỷ này có thể làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu (phía Campuchia gọi là dòng sông Basac thuộc hệ thống sông Mekong), tác động đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn.

Có thể bạn quan tâm