(GLO)- Ngày 11-4, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại một đám tang ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khiến 4 người tử vong và 6 người bị thương. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, người đàn ông điều khiển chiếc xe ô tô gây tai nạn đã sử dụng rượu bia trước đó. Nồng độ cồn đo được của tài xế này sau khi gây tai nạn là 0,315 miligam/lít khí thở.
Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn này thì tại Hà Nội, vào tối 22-4, một người đàn ông đi ô tô đã tông vào một nữ công nhân quét rác khiến chị này tử vong tại chỗ. Qua kiểm tra, cơ quan Công an xác định nồng độ cồn của tài xế này là 1,055 miligam/lít khí thở. Đến ngày 1-5, một vụ TNGT nữa đã xảy ra tại hầm Kim Liên (Hà Nội) khiến 2 phụ nữ tử vong. Làm việc với cơ quan Công an, tài xế điều khiển chiếc xe ô tô gây tai nạn khai trước đó đã uống 6 chai bia.
Tại Gia Lai, cách đây 3 ngày cũng đã xảy ra một vụ TNGT giữa 2 xe máy trên đường Trường Sơn (phường Yên Thế, TP. Pleiku) khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương nặng. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an, một trong 2 người điều khiển xe máy đã sử dụng rượu bia trước đó và đi sai phần đường dẫn đến tai nạn xảy ra.
Không phải đến bây giờ chúng ta mới biết rằng rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT. Cách đây hơn 1 năm, tại một sự kiện do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức, ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch Chuyên trách cơ quan này cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, có ít nhất 40% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây ra. Điều này có nghĩa, ở nước ta, nơi mà mỗi năm xảy ra hàng chục ngàn vụ TNGT khiến hàng ngàn người tử vong và nhiều hơn thế số người bị thương (năm 2018 xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người) thì TNGT liên quan đến người sử dụng rượu bia có thể lên đến vài ngàn vụ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia ở nước ta còn tràn lan thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do chế tài đối với hành vi vi phạm này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi công vụ, cụ thể là lực lượng Cảnh sát Giao thông hiện cũng chưa chú trọng đúng mức đến việc xử lý hành vi này. Bằng chứng là ở Gia Lai, theo số liệu của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2019, tổ kiểm tra, xử lý chuyên đề về nồng độ cồn của Công an tỉnh chỉ phát hiện, lập biên bản 46 trường hợp vi phạm, một con số mà ai cũng biết là quá ít so với thực tế.
Không khoanh tay đứng nhìn các vụ TNGT chết người xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia, những ngày qua, cộng đồng xã hội đã có nhiều động thái nhằm ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh việc lên án gay gắt những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, rất nhiều thông điệp ý nghĩa nhằm nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người về hành vi này như “Đã uống rượu bia thì không được lái xe”, “Say xỉn lái xe là tội ác”… đã được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Ngoài ra, nhiều người cũng đề nghị Nhà nước cần có chế tài nặng hơn đối với người lái xe sử dụng rượu bia, kể cả việc xử lý hình sự thay vì chỉ xử lý hành chính như hiện nay.
Sự lên án của cộng đồng xã hội đối với những tài xế sử dụng rượu bia là một tín hiệu tích cực có thể tác động, làm thay đổi ý thức của nhiều người khi tham gia giao thông. Nhưng để thay đổi mạnh mẽ ý thức của đông đảo người tham gia giao thông thì còn cần những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi này. Trong đó, việc sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành để có thể xử lý hình sự đối với tài xế say xỉn như mong muốn của rất nhiều người là điều mà Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm xem xét. Bởi lẽ, nếu không có một chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe thì với một “cường quốc tiêu thụ rượu bia” như nước ta, tình trạng tài xế sử dụng rượu bia sẽ khó mà ngăn chặn được, đồng nghĩa với những vụ TNGT do “ma men” gây ra sẽ vẫn còn tiếp diễn.
THÙY CHI