Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị hoàng đế rất anh minh, lỗi lạc, một lòng chăm lo việc nước, việc dân. Thời ông ở ngôi có tên gọi là Hồng Đức thịnh trị, “dân no đủ khắp mọi phương”, đánh dấu sự hưng thịnh bậc nhất của nhà Hậu Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam nói chung. Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” do Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin phát hành năm 2004 và sách “Thanh Hóa quê hương-đất nước-con người” do Sở Văn hóa và Thông tin Thanh Hóa phát hành năm 1996 nêu rõ: Vua Lê Thánh Tông có tên húy là Lê Tư Thành. Mẹ ông là bà Ngô Thị Ngọc Dao, người làng Động Bàng (nay là làng Nhất, xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Vua sáng lập ra chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là anh hùng tài thao lược.
Việc đặt tên đường Lê Thánh Tôn ở TP. Pleiku là chưa chuẩn xác. Ảnh: Hoàng Cư |
Ghi nhớ công lao to lớn của vị hoàng đế này, TP. Pleiku cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đã lấy họ và tên của ông đặt tên cho các tuyến đường lớn. Tuy nhiên, việc đặt tên đường là Lê Thánh Tôn chưa chính xác, cần phải chỉnh sửa lại cho đúng là Lê Thánh Tông.
Một trường hợp khác là người Anh hùng N'Trang Lơng. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Bu Par, xã Đak Rtih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông. Từ nhỏ, ông đã khôi ngô tuấn tú, khỏe mạnh hơn người. Lớn lên, ông làm tù trưởng, tổ chức kêu gọi các bộ tộc M'Nông, Ê Đê, Xtiêng… đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo kéo dài từ năm 1912 đến năm 1936 đã đánh bại nhiều lần tấn công của địch, giải phóng một vùng rộng lớn cao nguyên M'Nông. Chiến công mang tính lịch sử và thành công cao là trận đánh nghi binh tiêu diệt tên chỉ huy Henri Maitre tại Đồn Bu Nôrp diễn ra vào tháng 7-1914. Năm 1935, do tên M'Pông Phê phản bội, chỉ điểm nên giặc Pháp đã bao vây, tấn công bất ngờ vào căn cứ và bắt giết ông.
Nhằm ghi nhớ công lao của ông và nhắc nhớ về những chiến công oanh liệt của đồng bào Tây Nguyên, nhiều địa phương đã đặt tên trường, tên công viên, tên đường là N'Trang Lơng. Riêng tỉnh Đak Nông đã đầu tư hơn 167 tỷ đồng xây dựng tượng đài N'Trang Lơng trên đỉnh núi Đak Nur, thuộc TP. Gia Nghĩa, đặt tên cho trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh là Trường THPT Dân tộc Nội trú N'Trang Lơng. Tại phường Trà Bá, TP. Pleiku cũng có một con đường mang tên ông nhưng được đặt là Nơ Trang Long.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Lâm Văn Ánh-Bí thư Đảng ủy phường Trà Bá-xác nhận: “Khu vực gần Bến xe Đức Long Gia Lai, thuộc địa bàn phường Trà Bá có 2 tuyến đường đặt tên sai với nhân vật lịch sử. Đó là đường Nơ Trang Long và đường Trần Khắc Chân. Phường Trà Bá đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉnh sửa tên đường Nơ Trang Long thành đường N'Trang Lơng, đường Trần Khắc Chân thành đường Trần Khát Chân cho thật chính xác”.