Bạn đọc

Cần đoạn tuyệt với giáo dục kiểu "roi vọt"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hình ảnh ông thầy nghiêm khắc với chiếc roi mây đã đi vào quá khứ. Ngày nay, người ta vẫn thấy đôi chút bóng dáng của nó, đó là mỗi khi lên lớp thầy-cô giáo thường ôm cặp và cầm cây thước gỗ dài để “một công đôi việc”: vừa kẻ bảng, vừa để… khẻ tay, quất mông học trò khi các em phạm lỗi. Chưa kể có thầy cô còn bắt học sinh quỳ hay chép phạt nhiều lần.

Trong các giáo trình sư phạm hiện hành không có chương nào đề cập đến kiểu giáo dục “roi vọt” này. Nhà giáo dục Xô Viết Makarenko-người từng thành công trong giáo dục trẻ hư, trước đây có đề cập đến khái niệm “phẫn nộ sư phạm”, tức là người thầy có quyền trừng phạt học sinh nhưng trên cơ sở tôn trọng giá trị con người, không được để các em có cảm giác mình bị làm nhục, mà quan trọng là phải giúp học sinh thấy được khuyết điểm và tự khép mình vào khuôn khổ kỷ luật. Quan điểm giáo dục của ông khá hiện đại và đúng với mọi thời đại: “Phải biết thiết kế cái tốt trong con người... Nếu chỉ nhìn thấy trẻ em hư thì chứng tỏ người thầy đã thất bại”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những vụ lùm xùm trong các trường học ở nước ta vừa qua có nguyên nhân từ việc thầy trách phạt học trò không đúng với phương pháp sư phạm mới. Thầy-cô giáo phải luôn biết đối tượng giáo dục của mình là ai và phải làm chủ hành vi, cảm xúc khi xử lý tình huống. Mọi sự nóng giận với học sinh khi các em mắc lỗi thường dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Chúng ta biết rằng, mỗi học sinh là một cá tính riêng biệt nhưng tất cả đều cần có tình thương yêu chân thành từ người lớn, nhất là cha mẹ và thầy-cô giáo. Chính lòng nhân ái và vị tha sẽ mang lại hiệu quả giáo dục tích cực, nhất là với việc hình thành nhân cách cho học sinh. Sống trong môi trường sư phạm nhưng các em đến trường thiếu niềm vui, luôn nơm nớp lo sợ bị thầy cô trách phạt, tâm trạng nặng nề thì đó là sự thất bại trong giáo dục. Các hành vi sử dụng bạo lực hay xúc phạm đến tinh thần và thể chất các em từ người thầy đều là phản giáo dục.

Nhiều thầy-cô giáo hiểu rõ điều ấy, nhưng trong thực tế lại thiếu kiềm chế, gây ra nhiều vụ xử lý thô bạo như đánh hoặc chửi mắng học sinh, làm xấu đi hình ảnh của người thầy. Có những vụ đã tạo ra phản ứng thái quá từ phía học sinh như học sinh đánh lại thầy giáo ngay tại lớp học hay tổ chức trả thù thầy ở ngoài trường học. Phổ biến nhất là phụ huynh kéo đến trường lớp chửi bới, hành hung thầy-cô giáo. Hành vi quá khích của các bậc cha mẹ học sinh nói trên vừa trái đạo lý vừa vi phạm pháp luật. Nhưng nguyên nhân gốc rễ của nó, xét cho cùng, một phần là từ sự nóng nảy của người thầy.

Cần làm gì để hạn chế tình trạng trừng phạt học sinh một cách thô bạo ở học đường? Thiết nghĩ, trước hết mỗi thầy-cô giáo phải luôn tự rèn luyện phẩm chất nhà giáo để xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh; phương pháp giáo dục tốt nhất là sự nêu gương của chính mình. Muốn vậy, mỗi ngày trước khi lên lớp, thầy-cô giáo hãy tự nhủ với lòng mình rằng hôm nay sẽ đem đến cho các em niềm vui gì? Khi có tình huống sư phạm cần tháo gỡ, người thầy cần bình tĩnh để giải quyết sao cho các em tâm phục khẩu phục mà không cần đến một hình thức kỷ luật nào. Bên cạnh đó, hội đồng sư phạm nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở, động viên thầy-cô giáo giữ vững kỷ cương, nội quy của nhà trường; tổ chức các hội thảo về tâm lý, giáo dục để tìm ra nhiều giải pháp hay trong giáo dục học sinh, nhất là học sinh cá biệt. Trong công tác thi đua hàng năm, nhà trường cần chú trọng đến việc rèn luyện phẩm chất nhà giáo và khuyến khích các phương pháp giáo dục tích cực, hiện đại.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm