Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cần đưa ra quy định quản lý chặt chẽ kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Tại phiên họp thứ 43, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 1852/BC-UBKT14 ngày 12.3.2020 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự án Luật, kèm theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật.
Theo đó, một số nội dung lớn như bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng; thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp... đã được trình bày cụ thể trong Báo cáo số 1852/BC-UBKT14.
 
Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban kinh tế thống nhất với ý kiến không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Vấn đề này được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành.
Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình nội dung về vấn đề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bộ trưởng  cho rằng, cơ quan soạn thảo cầu thị tiếp thu các ý kiến góp ý nhưng không ít băn khoăn. Vì như phân tích của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì đây là quan hệ dân sự, đã được điều chỉnh theo nhiều cơ chế.
Bộ trưởng cho biết hiện có 217 doanh nghiệp kinh doanh loại hình này, chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM nhưng có nhiều doanh nghiệp hoạt động không lành mạnh, hoạt động xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp.
Theo Bộ trưởng, thiết kế thiết chế quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất khó, là thách thức lớn cho cơ quan soạn thảo. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc vấn đề này.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá dự án luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Qua đó đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc để xử lý phù hợp các xung đột giữa Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.
"Trong điều kiện hiện nay dịch vụ đòi nợ đang là thực tế, dù không ít trường hợp lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm, cưỡng đoạt tài sản. Nhưng nguyên nhân biến tướng là do chưa thực hiện quản lý tốt với loạt hình kinh doanh này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ" - Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thay vì cấm thì cần đưa ra các quy định, thiết chế quản lý chặt chẽ đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước với loại hình kinh doanh này, khắc phục những biến tướng. Không phải không quản được là cấm.
Phạm Đông (LĐO)

Có thể bạn quan tâm