Sống trẻ - Sống đẹp

Cần giải pháp giảm nghèo trong thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua buổi làm việc với Đoàn xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ, Gia Lai) mới đây cho thấy, tỷ lệ hộ thanh niên nghèo trong xã còn khá cao. Trong số 277 hộ nghèo toàn xã thì có đến 47 hộ là thanh niên. Theo anh Nguyễn Văn Hùng-Bí thư Đoàn xã Ia Krêl, có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến số lượng hộ thanh niên nghèo trên địa bàn còn cao là do thiếu đất sản xuất và lười lao động.

Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tỷ lệ hộ nghèo trong thanh niên, chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số còn cao. Điều này đặt ra nhiều thách thức rất cần có những giải pháp cụ thể để hạn chế và khắc phục.

 

Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh trao quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thành Toan
Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh trao quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thành Toan

Hậu quả của đói nghèo trước hết là tạo thêm gánh nặng cho xã hội, ảnh hưởng đến quá trình xóa đói giảm nghèo chung trong toàn tỉnh và bội chi ngân sách trong hỗ trợ, thực hiện chính sách cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong tư tưởng, nhận thức của một bộ phận hộ nghèo là đồng bào Jrai nói riêng, người dân tộc thiểu số nói chung, việc được công nhận hộ nghèo là yếu tố tạo nên quyền lợi “hiển nhiên”. Ngoài việc nhận trợ cấp, chế độ ưu đãi từ Nhà nước, họ còn được hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức từ thiện. Sự trông chờ, ỷ lại từ đó mà phát sinh, tồn tại lâu dài và khó thay đổi.

Lâu nay, ở cấp thôn, làng, việc xem xét hộ nghèo vẫn diễn ra hàng năm với những tiêu chí phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo sự công tâm, đúng đối tượng. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng xác định theo kiểu qua loa, đại khái nên số lượng hộ nghèo có khi tăng cao hoặc giảm mạnh. Điều cần bàn ở đây chính là tiêu chí xét chọn hộ nghèo hiện nay cần công bằng để đem lại cơ hội đối với những người nghèo thực sự do thiếu đất sản xuất, do bệnh tật, không có sức lao động... Còn với những người nghèo do lười lao động, rượu chè, ham chơi... thì nên chăng các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp họ dần thay đổi, qua đó từng bước hình thành nếp nghĩ, cách sống tích cực hơn. Cùng với đó là tuyên truyền, nhân rộng các điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi để hộ nghèo học hỏi và làm theo.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, đối thoại với người dân để kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người dân, qua đó kịp thời đề xuất biện pháp, giải quyết vấn đề vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích của thanh niên; tạo điều kiện về vốn vay để thanh niên, kể cả thanh niên chưa tách hộ, giúp họ chủ động tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Thiết nghĩ, khi thực hiện có trách nhiệm và đồng bộ các giải pháp trên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, hạn chế hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo trong thanh niên.

Ksor H’yuên

Có thể bạn quan tâm