Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cần huy động nguồn lực lớn để tái cơ cấu kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV sáng 20-10, thời gian tới nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cần được triển khai một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Kết quả đáng khích lệ

 

Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tập trung vào các trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
 

 

Cụ thể, Chính phủ đã trình Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Kế hoạch tài chính-NSNN và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; triển khai 02 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu. Chính phủ cũng đã tổng kết 10 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN, xây dựng Đề án tổng thể cho giai đoạn 2016-2020 và Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về cơ bản, tình trạng các cấp, các ngành ra quyết định đầu tư mà không tính đến khả năng cân đối vốn đã được khắc phục. Số dự án khởi công mới và nợ đọng xây dựng cơ bản giảm. Các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục được cơ cấu lại, gắn với xử lý nợ xấu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ cuối năm 2012 đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tự xử lý được khoảng 57,2% tổng nợ xấu thông qua thu hồi nợ từ khách hàng, bán tài sản bảo đảm và sử dụng dự phòng rủi ro. VAMC đã mua 256.134 tỷ đồng dự nợ gốc nội bảng và đã xử lý được 37.980 tỷ đồng; trong đó, từ đầu năm 2016 đến nay đã xử lý được 15.824 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8-2016, tỉ lệ nợ xấu là 2,66%.

Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Cụ thể, Chính phủ cho chủ trương thoái vốn của Sabeco, Habeco; bán vốn tại 10 doanh nghiệp do SCIC quản lý (trong đó có Vinamilk); Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi cổ phần hóa đối với doanh nghiệp có vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Trong 9 tháng đã thoái vốn 2.800 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 5.000 tỷ đồng; cổ phần hóa 48, giải thể 10, phá sản 1, bán 1 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập.  

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; từng bước tổ chức lại sản xuất, mở rộng quy mô; tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình hiệu quả. Về triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 23%. Đến hết năm 2016, dự kiến có 30 đơn vị cấp huyện và khoảng 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 25%).

Các ngành công nghiệp, dịch vụ tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh. Nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch được triển khai thực hiện. Nhờ đó, cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 7,4%, trong đó tư liệu sản xuất tăng 11%, điện tử, máy tính tăng 14,9%, xe có động cơ tăng 15,3%, kim loại tăng 16,9%. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế (như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin...). Tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch và xây dựng Đề án định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Báo cáo của Chính phủ xác định: Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế sẽ được tiến hành một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương về một số chính sách, giải pháp lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ban hành và thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực giai đoạn 2016-2020. Thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; phấn đấu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng 15%, trong đó có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung chỉ đạo đạt kết quả rõ nét hơn các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin...

Triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển. Tiếp tục bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả vốn NSNN ứng trước. Hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư xây dựng cơ bản, trước mắt có giải pháp phù hợp, áp dụng ngay để tiết kiệm vốn đầu tư công. Chuẩn bị triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Thực hiện theo tiến độ một số đoạn của Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam và một số đoạn quan trọng trên Tuyến đường bộ ven biển. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

 

Theo báo cáo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội chiều ngày 20-10,
Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công sẽ được tái cơ cấu theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phải hoạt động theo cơ chế thị trường; đồng thời tự do hóa, thị trường hóa dịch vụ công, mở cửa cho tư nhân tham gia nhiều hơn nữa.

Các doanh nghiệp tư nhân được coi là nòng cốt trong tái cơ cấu, phát triển các ngành ưu tiên, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu.

Đặc biệt, sẽ kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước.

Chính phủ dự kiến thành lập Tổ công tác thi hành tái cơ cấu kinh tế ở Trung ương, ngành và địa phương, hỗ trợ, theo dõi, đánh giá và đôn đốc việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ trưởng Dũng, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tốn khoảng 10,75 triệu tỉ đồng theo giá thực tế. Nguồn lực để thực hiện kế hoạch này nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế.

Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản thế chấp, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, xác định đầy đủ, xử lý căn bản, triệt để hơn nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém; giảm tình trạng sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Khuyến khích huy động vốn qua thị trường chứng khoán, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng giám sát thị trường; sáp nhập 2 Sở giao dịch và nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán.

Triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường. Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN, khi cổ phần hóa phải đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét, cho bán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Xây dựng và thực hiện Kế hoạch giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, kiên quyết tinh giản biên chế và giảm chi từ NSNN, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện công khai, minh bạch trong tái cơ cấu DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất để tính giá trị doanh nghiệp.

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Có chính sách phù hợp để khuyến khích tích tụ ruộng đất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Thực hiện hiệu quả quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường huy động nguồn lực, giảm nợ đọng xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch lại đất đai và cơ cấu sản xuất ở các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; chấn chỉnh hệ thống giám sát và kiểm định chất lượng. Điều hành xuất khẩu gạo phù hợp, bảo đảm an ninh lương thực và cân đối xuất khẩu. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Phát triển các ngành kinh tế biển, hỗ trợ diêm dân, ngư dân đánh bắt xa bờ, người dân sinh sống trên các đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường; chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển năng lượng tái tạo. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; chuẩn hóa mức tiêu hao năng lượng đối với một số ngành công nghiệp cơ bản.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Xây dựng Chiến lược xuất khẩu dịch vụ đến năm 2030; tăng cường hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách. Triển khai thí điểm cấp thị thực điện tử từ đầu năm 2017 sau khi được Quốc hội cho phép.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm