Hiểm nguy rình rập
Nói về lý do phải lội qua sông, nhiều người dân ở thị trấn Phú Thiện cho hay: Nguyên nhân chính là do vị trí đất canh tác của gia đình nằm ở phía bên kia sông Ayun. Nếu đi đường chính, bà con phải đi vòng đoạn đường dài hơn 10 km từ thị trấn đến ngã ba Plei Tăng rồi vào xã Chư A Thai. Trong khi đó, nếu chọn cách lội sông thì đoạn đường này chỉ hơn 1 km. Do vậy, đa số người dân chọn cách vượt sông Ayun rộng hơn 20 m để đến vườn rẫy. Riêng tổ 1 và 2 có khoảng 300 hộ dân có đất sản xuất tại xã Chư A Thai và Ia Sol với tổng diện tích gần 200 ha.
Khi chúng tôi có mặt tại ngã ba sông cũng là lúc anh Siu Đại (tổ 9) đang chuẩn bị bơi qua sông để đưa đàn trâu vượt dòng nước chảy xiết về nhà. Anh Đại cho biết, gia đình có hơn 3 ha lúa và mì bên xã Chư A Thai. Hàng ngày, anh vẫn lội qua sông đến rẫy. “Mùa khô, nước cạn hơn, người dân có thể đi xe máy hoặc dùng bò kéo nông sản qua sông. Còn mùa mưa, nước lên cao, chảy xiết. Trước đây, người dân cũng góp sức làm cầu tạm để đi nhưng chẳng được bao lâu, đến mùa lũ là cầu tạm lại bị nước cuốn trôi”-anh Đại nói.
Anh Siu Đại (Tổ dân phố 9, thị trấn Phú Thiện) một tay giữ ba lô trên đầu cho khỏi ướt rồi khua tay còn lại bơi theo phía sau đàn trâu để qua sông. Ảnh: M.N |
Để đến được rẫy của mình, chị Rơ Cơm H’Mon (tổ 2) cũng chọn cách vượt sông. “Biết là nguy hiểm nhưng đất sản xuất, bãi chăn thả trâu bò đều ở bên kia sông nên vẫn chọn cách đi tắt qua lối này để đi làm. Nhiều hôm gặp phải hố sâu suýt bị nước cuốn trôi, may mà người đi cùng cứu kịp thời”-chị H’Mon cho hay.
Còn chị Rơ Châm H’Đer (tổ 1) thì chia sẻ: Mỗi lần vượt sông đều trong tình trạng lo âu, sợ hãi bởi nhiều mối hiểm nguy khó lường luôn rình rập khi nước xiết. Vào mùa mưa, đập thủy lợi Ayun Hạ xả nước, mực nước sông Ayun dâng cao càng nguy hiểm hơn. “Người dân ở đây ai cũng mong muốn có được cây cầu để đi lại và vận chuyển nông sản”-chị H’Đer kiến nghị.
Người dân thị trấn Phú Thiện lội qua sông Ayun để đến khu sản xuất. Ảnh: M.N |
Đề xuất làm đường và cầu bắc qua sông
Theo ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện: Mặc dù chính quyền thị trấn liên tục tuyên truyền, cảnh báo người dân không được đi tắt qua sông khi xả lũ hay vào mùa mưa nhưng vẫn có một số người dân vì muốn rút ngắn thời gian đã bất chấp nguy hiểm đi qua đoạn sông này. “Chúng tôi mong Nhà nước sớm bố trí nguồn vốn làm cầu để bà con đi lại thuận tiện hơn”-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện đề xuất.
Để chuẩn bị cho việc xin nguồn vốn làm cầu, thị trấn Phú Thiện đã tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường Wừu-nối từ quốc lộ 25 đến vị trí dự kiến xây dựng cầu. “Nếu có nguồn vốn xây dựng cầu thì không những người dân thị trấn có lợi mà việc giao thương hàng hóa thông qua việc kết nối với tỉnh lộ 662B cũng như người dân xã Chư A Thai sang trung tâm rút ngắn hơn 10 km. Do vậy, việc xây dựng cây cầu này là hết sức cần thiết”-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện nhấn mạnh.
Dự án đường từ thị trấn Phú Thiện đi xã Chư A Thái đã được đưa vào chương trình đầu tư của huyện. Ảnh: M.N |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Khanh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Thiện-thông tin: Dự án đường từ thị trấn Phú Thiện đến xã Chư A Thai (điểm đầu tiếp giáp quốc lộ 25, điểm cuối giáp với tỉnh lộ 662B) đã được đưa vào chương trình đầu tư của huyện với tổng vốn dự kiến hơn 75 tỷ đồng.
Cùng với đó, từ năm 2022, UBND tỉnh cũng đã có tờ trình đề nghị các bộ, ngành Trung ương bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng. “Đây là dự án quan trọng có tính chất liên kết, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ kết nối quốc lộ 25 với tỉnh lộ 662B của huyện Ia Pa; kết nối huyện Mang Yang thông qua đường nối tỉnh lộ 666, rút ngắn thời gian từ thị trấn Phú Thiện qua xã Chư A Thai”-ông Khanh cho biết.
Cũng theo ông Khanh, tại vị trí dự kiến xây dựng cầu, hàng trăm hộ dân thường qua lại đoạn sông này để vào khu vực sản xuất và lưu thông qua xã Chư A Thai, Ia Sol nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường và cây cầu qua sông Ayun là hết sức cần thiết.