Theo đơn kiến nghị của ông Cao Văn Thư (số 12 Nguyễn Văn Cừ, tổ 4, phường Diên Hồng): Hẻm 12 Nguyễn Văn Cừ có thiết kế mặt đường bê tông dài 223 m, thi công vào tháng 5-2023. Trong đó, đoạn 1 dài 167 m, mặt đường rộng 6 m; đoạn 2 dài 56 m, mặt đường rộng 4 m.
Công trình có tổng dự toán 343,3 triệu đồng (ngân sách tỉnh hơn 174 triệu đồng, TP. Pleiku hỗ trợ 34 triệu đồng và người dân hẻm 12 đóng góp 135,2 triệu đồng).
Thế nhưng, thay vì thu của 42 hộ dân là 135,2 triệu đồng để nộp về phường theo quy định thì Ban giám sát hẻm 12 Nguyễn Văn Cừ đã tự thu tăng lên thành hơn 182 triệu đồng (2 hộ ủng hộ làm đường 10 triệu đồng), số tiền còn dư đến 46,9 triệu đồng.
Người dân cho rằng Tổ trưởng tổ dân phố 4 và Ban giám sát hẻm 12 Nguyễn Văn Cừ (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) chưa công khai, minh bạch đối với các khoản thu, chi làm đường, cống thoát nước. Ảnh: M.P |
Chưa hết, đoạn cuối hẻm 12 theo dự tính ban đầu sẽ mở rộng thành đường 6 m. Tuy nhiên, do không xin được đất nên vẫn thi công mặt đường rộng 4 m, dài 56 m như thiết kế. Dù vậy, số tiền đóng góp đối với khoản chênh lệch dư 2 m ngang (dài 56 m) gần 10 triệu đồng vẫn không được trả lại cho người dân.
Khi được hỏi thì Ban giám sát trả lời đã chuyển số tiền này qua phần đổ bê tông tươi làm đường. Việc tự ý chi khoản tiền này khiến một số hộ dân bức xúc.
Đối với phần làm cống thoát nước, tổng chiều dài hai bên tuyến đường là 334 m; đoạn 56 m chỉ làm cống một bên vì một bên không có nhà ở. Như vậy, toàn tuyến cống phải thi công là 390 m. Trong đó, 2 hộ tự bỏ tiền làm 22 m cống. Riêng nhà ông Thư có 7,25 m mặt đường hẻm 12 và 20 m bên hông nhà (mặt tiền quay ra đường Nguyễn Văn Cừ), sợ máy múc làm ảnh hưởng đến móng nhà nên ông cũng xin làm thủ công đoạn cống này. Đến nay, Ban giám sát đã quyết toán với nhà thầu nhưng vẫn chưa chi trả tiền vật tư, tiền công làm cống cho gia đình ông.
Theo ông Thư, thay vì thu 125,8 triệu đồng theo bảng thẩm định của bên nhà thầu đề ra thì Tổ trưởng tổ dân phố 4, Ban giám sát lại thu đến 162,3 triệu đồng. Sau khi quyết toán với nhà thầu, số tiền người dân đóng góp làm cống thoát nước còn dư hơn 36 triệu đồng. Mặc dù đã có bản tổng hợp dự toán từng hạng mục công trình của đơn vị thi công đã được cơ quan liên quan thẩm định nhưng không hiểu sao Ban giám sát thu thừa tiền.
“Mỗi lần Ban giám sát báo cáo đều là những con số khác nhau khiến người dân nghi ngờ về các khoản thu, chi có dấu hiệu hợp thức hóa số tiền dư. Lúc thì thông báo tiền làm cống thoát nước 525 ngàn đồng/m, lúc thì thông báo hơn 748 ngàn đồng/m; khi thì thông báo trả tiền làm cống cho nhà thầu 125,8 triệu đồng, lúc lại báo cáo là 137,8 triệu đồng.
Trong khi, UBND phường có ý kiến chỉ đạo việc niêm yết công khai tại hội trường về kinh phí làm đường, cống thoát nước nhưng Tổ trưởng tổ dân phố, Ban giám sát không làm việc này”-ông Thư cho biết.
Ông Thư nêu nghi ngờ: Ban đầu họp triển khai làm đường, người dân đã thống nhất đổ bê tông tươi, không làm bê tông truyền thống vì lo trộn không đều. Thế nhưng, khi làm đường xong, Ban giám sát lại lấy số tiền thu dư chi cho khoản chênh lệch giữa bê tông tươi so với bê tông trộn thủ công hơn 44,4 triệu đồng.
Mặt khác, việc đổ bê tông phát sinh ở đầu hẻm (tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Cừ) hơn 17,7 triệu đồng cũng cần kiểm tra quy cách đổ bê tông, độ dày, mỏng và khối lượng so với thực tế đã làm. Ngoài ra, ông Thư cũng đề nghị làm rõ số mét cống thoát nước đã làm và công khai số liệu nghiệm thu làm đường, cống thoát nước.
Đại diện một số hộ dân, ông Thư nêu kiến nghị: “Việc Ban giám sát tự ý chi hết số tiền thừa mà không hỏi ý kiến người dân với các hạng mục đã chi hơn 80 triệu đồng là không hợp lý. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Tổ trưởng tổ dân phố vì sao không niêm yết công khai dự toán làm đường, cống thoát nước của nhà thầu cho bà con biết; đồng thời, ai là người chỉ đạo thu tiền của dân tăng cao so với quy định”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tín-Chủ tịch UBND phường Diên Hồng-cho biết: Sau khi nhận đơn kiến nghị, phường đã tổ chức mời ông Cao Văn Thư, Tổ trưởng tổ dân phố, Ban giám sát và đơn vị thi công lên trao đổi trực tiếp, đồng thời giải thích cho ông Thư rõ dự toán ban đầu là sử dụng bê tông trộn nhưng sau đó người dân đồng thuận dùng bê tông tươi để làm đường nên phát sinh khoản chênh lệch hơn 44,4 triệu đồng. “Đối với đoạn 56 m cuối hẻm, thu tiền làm đường
6 m nhưng chỉ làm 4 m, khoản thu dư 2 m ngang, Ban giám sát cho biết 6 hộ ở đoạn đường này đã thống nhất chuyển bù vào phần làm đường. Việc này, phường đã yêu cầu Ban giám sát tổ chức lấy ý kiến, hộ nào chưa hoặc đồng thuận để tính toán lại”.
Đối với khoản chi phát sinh láng bê tông đầu hẻm giáp với đường Nguyễn Văn Cừ, đơn vị thi công đảm bảo đủ khối lượng, nếu khoan kiểm tra không đúng thực tế thì họ sẽ chịu trách nhiệm. Riêng các phần ngoài định hình (ngoài phần mặt đường 6 m) đoạn không có nhà ở, ban đầu một số hộ đồng ý tự bỏ 5,1 triệu đồng chi trả nhưng về sau gia đình không thống nhất nên Ban giám sát trả lại khoản tiền này.
Liên quan việc thi công cống thoát nước, Chủ tịch UBND phường Diên Hồng cho biết: Ban giám sát họp bàn với người dân, đơn vị thi công về giá cả và tính toán phân bổ khoản thu cho từng hộ. Những đoạn không có dân ở hoặc ngoài phần mặt đường
6 m thì người dân đóng góp thêm. “Thấy dư chứ thật ra không dư, do Ban giám sát chưa lường hết phát sinh ở những điểm đấu nối, nhất là giữa hẻm này với hẻm kia. Do vậy, phường cũng yêu cầu đơn vị thi công chỉ ra những chỗ cống nối phát sinh, tính lại bao nhiêu mét không có hộ dân, hộ nào không đóng tiền làm cống thoát nước để thông tin cụ thể cho người dân một cách chính xác nhất”-ông Tín nhấn mạnh.