Bạn đọc

Cần làm rõ trách nhiệm vụ rò rỉ điện gây chết người ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho rằng cái chết của bố mình là do sự tắc trách của Điện lực Chư Sê và một số cá nhân, chị Nguyễn Thị Tuyết (làng Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã làm đơn kiến nghị các cấp làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Tai nạn thương tâm

Theo đơn của chị Tuyết: Chiều 16-5-2023, ông Nguyễn Đình Hùng (bố chị Tuyết) sang vườn nhà bà Mai Thị Thùy Dung (cùng thôn) để tưới nước đào củ sắn dây giùm. Khi ông Hùng tưới nước tại vị trí trụ điện đi ngang qua vườn thì xảy ra sự cố rò rỉ điện từ đường dây điện 3 pha kéo qua vườn gây tử vong. Đường dây điện này do ông Lê Đức Tuân (địa chỉ 511 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê; nay đã chuyển đi nơi khác, không còn ở địa phương) kéo qua vườn nhà bà Dung và néo trụ kéo tại vườn nhà bà Dung bằng 1 sợi dây kim loại.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, gia đình đã tìm hiểu nguyên nhân, chụp hình vị trí trụ điện và đo dòng điện bị rò rỉ tiếp đất. Kết quả, hiệu điện thế đo được là hơn 100 V. “Bố tôi đang mạnh khỏe, vẫn làm việc bình thường nhưng vì sự tắc trách của Điện lực Chư Sê và chủ đường dây điện đi qua khu vực vườn nhà dân gây rò rỉ điện dẫn đến cái chết thương tâm. Mẹ tôi mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình bố nuôi 3 chị em tôi ăn học. Bố là trụ cột gia đình và cũng là chỗ dựa tinh thần của chị em chúng tôi. Sự ra đi đột ngột của bố khiến chị em chúng tôi suy sụp tinh thần, bơ vơ không nơi nương tựa”-chị Tuyết nói trong nước mắt.

Anh Nguyễn Đình Hưng bên vị trí bố mình bị điện giật trong lúc tưới nước để đào củ sắn dây. Ảnh: Q.T

Anh Nguyễn Đình Hưng bên vị trí bố mình bị điện giật trong lúc tưới nước để đào củ sắn dây. Ảnh: Q.T

Chị Tuyết đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm các bên có liên quan trong vụ tai nạn thương tâm của bố mình. Chị Tuyết bức xúc: “Đơn vị nào cấp phép cho ông Lê Đức Tuân được sử dụng điện 3 pha và hồ sơ cấp phép thể hiện đấu nối, truyền tải như thế nào để dẫn đến việc ngang nhiên đặt trụ điện và dẫn đường dây đi qua khu vực đất của người dân đang sử dụng mà không được sự đồng ý? Việc đấu nối, truyền tải điện có đúng quy định của Luật Điện lực hay không, nhất là quy định về hành lang an toàn đường dây đối với các khu vực dân sinh, nhà dân?”.

Làm việc với P.V, bà Mai Thị Thùy Dung cũng khẳng định: Gia đình bà chưa từng đồng ý cho ông Tuân kéo đường dây điện 3 pha qua vườn nhà mình. Việc rò rỉ điện từ đường dây này không chỉ xảy ra ở vị trí trụ néo trong vườn nhà bà dẫn đến cái chết của ông Hùng mà tại vị trí cửa cổng của gia đình bà và nhà hàng xóm cũng có hiện tượng nhiễm điện nhẹ.

“Nếu có sự sát sao, trách nhiệm của ngành Điện, chủ đường dây thì sẽ không xảy ra sự việc đau lòng này. Từ khi kéo đường dây đi ngang qua vườn nhà tôi, chỉ 2 năm đầu là có người đi phát dọn hành lang an toàn, sau đó không thấy ai nữa. Ngay khi 2 người mặc quần áo ngành Điện dùng dây néo từ trụ điện xuống vườn nhà thì tôi đã không đồng ý nhưng họ bảo yên tâm, không sao đâu. Sự việc cũng đã xảy ra rồi, tôi chỉ mong cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm và tiến hành khắc phục, đảm bảo an toàn đường điện. Còn không, tôi đề nghị không được kéo đường điện đi qua đất của mình”-bà Dung cho biết.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với P.V, ông Vi Đình Tú-Phó Giám đốc Điện lực Chư Sê-xác nhận: Đơn vị đã nhận được đơn của chị Tuyết. Tuy nhiên, Công an huyện đang thụ lý điều tra vụ việc và sẽ có quyết định cuối cùng.

Theo ông Tú, năm 2013, một nhóm hộ dân có rẫy ở làng Tốt Biơch góp tiền đầu tư xây dựng trạm biến áp để kéo điện 3 pha phục vụ sản xuất và làm đầy đủ các thủ tục ban đầu như hướng tuyến, vị trí đấu nối. Sau khi họ thuê đơn vị thi công xong, Điện lực Chư Sê đã tham gia thành phần nghiệm thu và cho đóng điện. Thời điểm đó, chỉ một số hộ dân xung quanh trạm biến áp đấu nối để sử dụng điện nên khi nghiệm thu thì đơn vị cũng chỉ kiểm tra cấp điện từ công tơ xuống trạm biến áp là hết trách nhiệm. Sau này, các hộ dân khác đấu nối thêm đường dây thì họ không có hồ sơ và cũng không báo nên Điện lực không nắm được. Đường dây hiện tại do người dân tự thi công, Điện lực chỉ hợp đồng mua bán điện ngay công tơ tại trạm biến áp thôi.

Dây néo trụ điện (bằng kim loại) được kéo xuống vườn nhà bà Dung. Ảnh nhân vật cung cấp

Dây néo trụ điện (bằng kim loại) được kéo xuống vườn nhà bà Dung. Ảnh nhân vật cung cấp

“Việc kéo đường dây qua đất của dân là do các hộ dân tự thỏa thuận, trụ điện đó không phải của Điện lực. Còn theo phản ánh của người dân là có người mặc đồng phục ngành Điện tiến hành kéo dây neo trụ điện tại vườn nhà bà Dung thì đợi điều tra của Công an vì không phải mặc đồ màu cam thì đều là người của Điện lực. Về mặt quản lý, phần đường dây sau công tơ là khách hàng tự quản lý và chịu trách nhiệm, Điện lực không quản lý nên không biết. Trường hợp khách hàng thấy đường dây không an toàn thì thông báo để Điện lực xuống hỗ trợ kiểm tra”-ông Tú khẳng định.

Ông Lý Ngọc Thạnh (làng Tốt Biơch) là người được các hộ dân cử đứng ra thu tiền sử dụng điện nộp cho Điện lực Chư Sê. Ông Thạnh cho biết: “Trạm biến áp đó do ông Lê Đức Tuân hợp đồng với 1 đơn vị thi công năm 2013 và sau khi nghiệm thu đóng điện thì bàn giao lại cho người dân sử dụng. Sau đó, người dân cử tôi đứng ra kiểm tra đồng hồ và thu tiền điện sử dụng của các hộ để nộp lại cho Điện lực Chư Sê. Bản thân tôi không rành về điện nên không biết việc sửa chữa, bảo trì, kiểm tra. Sự việc vừa rồi xảy ra gây chết người thì không ai mong muốn”.

Cũng theo ông Thạnh, sau khi xảy ra tai nạn chết người, phía Điện lực Chư Sê có gọi thông báo và ông đã đề nghị đơn vị này hỗ trợ người kiểm tra, khắc phục. Tuy nhiên, họ bảo ông kêu người ngoài cũng được. Vì vậy, ông đã thuê người biết làm điện tiến hành kiểm tra, khắc phục đường dây cũng như xác định nguyên nhân rò rỉ điện gây chết người. Sau khi khắc phục xong, phía Điện lực Chư Sê đã đi kiểm tra độ an toàn của đường dây.

Để làm rõ thêm thông tin vụ việc, P.V đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Điện lực Gia Lai thì được hướng dẫn làm việc với các phòng chuyên môn của đơn vị này. Theo đại diện các phòng chuyên môn của Điện lực Gia Lai, Luật Điện lực đã quy định ranh giới quản lý rất rõ ràng. Cụ thể, tại Điều 46 có quy định rõ nghĩa vụ của khách hàng như: sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản... Do đó, trách nhiệm để xảy ra sự việc gây chết người là do chủ đầu tư đường dây điện. Tuy nhiên, khi P.V cho biết, người đứng tên hợp đồng không ở địa phương và đã chuyển giao cho người khác quản lý thì phía Điện lực Gia Lai trả lời là mới nghe và sẽ kiểm tra lại.

Có thể bạn quan tâm