Bạn đọc

Cần làm sáng tỏ vụ tranh chấp đất ở Thăng Hưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, bà Nguyễn Thị Bổng và bà Nguyễn Thị Bình (thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tá hỏa khi phát hiện mảnh đất mình đang canh tác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Ngô Tuấn Hải ở cùng thôn. Đây là diện tích đất do 2 bà khai hoang và canh tác ổn định gần 30 năm nay và chưa hề sang nhượng cho ai.
Nói về nguồn gốc thửa đất của mình, bà Bình cho biết: Bà đến đây sinh sống từ năm 1983. Khi đó, gia đình bà khai hoang được hơn 2 sào đất phía sau nhà để trồng khoai lang (đã được cấp sổ đỏ). Năm 1987, gia đình bà tiếp tục khai hoang thêm phía sau Hạt Quản lý đường bộ huyện để mở rộng diện tích thêm khoảng 1,5 sào. Thời điểm này, nhiều công nhân của Hạt Quản lý đường bộ cũng ra khai hoang. Đến năm 1995, thấy cuộc sống nơi đây quá khó khăn, nhiều công nhân đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Sau này, bà Bình huy động các con ra khai hoang thêm 2,4 sào nữa thuộc phần đất tiếp giáp mà trước đó các công nhân không khai hoang vì quá nhiều đá, kẽm gai và bụi rậm. Từ đó đến nay, bà Bình trồng hoa màu, sau đó chuyển sang trồng điều vào năm 1999; không sang nhượng, không tranh chấp với ai. “Có một điều vô lý là tôi đã 3 lần lên trụ sở UBND xã nhờ hỗ trợ cấp sổ đỏ (năm 2005, 2010 và 2017) nhưng đều nhận được câu trả lời là: Diện tích đất tôi đang canh tác thuộc quyền quản lý của huyện nên không cấp được sổ đỏ. Mãi đến tháng 6-2021, bà Trương Thị Kim Nhật-vợ ông Hải dẫn cán bộ địa chính xã và cán bộ Tòa án nhân dân huyện Chư Prông đi đo đạc thửa đất mà chúng tôi đang canh tác. Lúc này, tôi mới biết thửa đất của mình đã được cấp sổ đỏ cho ông Hải với diện tích hơn 4,1 sào, bao gồm 2,4 sào đất của tôi và 1,7 sào của bà Bổng”-bà Bình bức xúc nói.
Bà Nguyễn Thị Bổng (thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) bên diện tích đất do mình khai hoang, canh tác gần 30 năm nay nhưng lại đứng tên sổ đỏ của người khác. Ảnh: Nhật Hào
Đứng giữa vườn điều do chính mình khai hoang và trồng, bà Bổng trần tình: Năm 1990, sau khi cả 4 đứa con đều lần lượt ra đi vì căn bệnh sốt rét, bà đã rời nhà (tại xã Bình Giáo) để tới thôn 4 (xã Thăng Hưng) sinh sống. Được 1 năm, thấy mảnh đất sau lưng Hạt Quản lý đường bộ có cây cối um tùm, ụ đất, ụ đá lổm nhổm, bà bắt đầu chặt đốt, rồi chẻ từng tảng đá thành từng cục nhỏ để vận chuyển đi nơi khác nhằm lấy đất canh tác. “Sau hơn 1 năm, tôi khai hoang được 1,7 sào và bắt đầu trồng mì. Đến năm 1999, tôi chuyển sang trồng điều và từ đó đến nay tôi vẫn chăm sóc, thu hoạch mà không hề xảy ra tranh chấp hay sang nhượng cho ai. Tôi cũng không hiểu sao thửa đất này lại đứng tên sổ đỏ của ông Hải. Tôi mong chính quyền và các ban ngành quan tâm vào cuộc tìm nguyên nhân và giải quyết thỏa đáng để trả lại công bằng cho chúng tôi”-bà Bổng nói.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng thôn 4 khẳng định diện tích đất đang tranh chấp nói trên là do bà Bình và bà Bổng khai hoang từ những năm 1980 và canh tác từ đó đến nay. Trong quá trình canh tác, cả 2 hộ cũng không sang nhượng và tranh chấp với ai. “Việc ông Hải không khai hoang nhưng lại được cấp sổ đỏ là rất vô lý. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, giải quyết nhằm làm sáng tỏ vụ việc để trả lại công bằng cho các hộ dân, đặc biệt là đối với các hộ đã có công khai hoang và canh tác trên mảnh đất này trong nhiều năm qua”-ông Hùng cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Hải-Chủ tịch UBND xã Thăng Hưng-cho hay: Sau khi có phản ánh của các hộ dân, xã tiến hành xác minh và kết quả đúng là diện tích đất trên đang được bà Bình và bà Bổng canh tác nhưng lại cấp sổ đỏ cho ông Hải từ năm 2000 với diện tích hơn 4,1 sào. “Thực tế, thời điểm năm 2000 thì tôi vẫn còn nhỏ tuổi nên không rõ là ông Hải hay 2 hộ bà Bình và bà Bổng canh tác trên diện tích này trước. Vì vậy, chúng tôi đang tiến hành các bước hòa giải. Nếu sau 3 lần hòa giải không thành, chúng tôi sẽ hướng dẫn các hộ nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện để được giải quyết”-Chủ tịch UBND xã thông tin. 
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm