Kinh tế

Nông nghiệp

Cần một cuộc cách mạng nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo thông tin từ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta mới chỉ chiếm 0,28% diện tích đất nông nghiệp toàn quốc. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường; chỉ có 15% còn lại là qua kênh siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước mới có 33 địa phương có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Cần một cuộc cách mạng nông nghiệp sạch (ảnh nguồn internet)
Cần một cuộc cách mạng nông nghiệp sạch (ảnh minh họa, nguồn internet)
Nhưng phải nói ngay, 33/63 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không có nghĩa là đã sản xuất cho thị trường sản phẩm nông nghiệp organic. Bởi lẽ, từ có mô hình tới sản xuất mang tính thị trường là một quãng đường dài.
Xem như thế, nông sản hữu cơ, nông sản sạch chưa phải đã chiếm một vị trí đáng kể trong nền nông nghiệp Việt Nam. Và việc phấn đấu để “phủ sóng” nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ tới từng hộ gia đình Việt Nam còn là một mục tiêu lâu dài và khó khăn.
Chúng ta không được như Campuchia vì ngay từ đầu, nước này đã “nói không” với tất cả hóa chất sử dụng cho nông nghiệp, từ chối cả phân bón hóa học, nghĩa là họ đã giữ vững nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống của đất nước mình và từ đó phát triển lên. Vì thế, không lạ khi gạo và nhiều loại thực phẩm sạch của Campuchia đã và đang được tiêu thụ với số lượng lớn ngay tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta “thoải mái” nhập phân bón hóa học, nhập thuốc bảo vệ thực vật, nhập giống biến đổi gen, thậm chí, nhập cả thuốc diệt cỏ của Tập đoàn Monsanto đã bị thế giới lên án vì sự độc hại đối với sức khỏe và đời sống con người.
Bây giờ, muốn sản xuất nông sản sạch, muốn “hữu cơ hóa” sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thì lực cản quan trọng nhất lại chính là… thói quen của nông dân. Bởi bao năm nay, họ đã phụ thuộc quá nhiều vào các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Bây giờ, để thay đổi thói quen đó là cả một cuộc cách mạng. Không chỉ là cách mạng trong phương pháp canh tác mà còn trong tập quán canh tác, trong nhận thức về sức khỏe của chính mình và cộng đồng; cách mạng về sự chọn lựa thông minh của người tiêu dùng đối với nông sản sạch, thực phẩm sạch. Vì vậy, cần một sự đồng bộ từ chính sách tới cánh đồng, từ cánh đồng tới bàn ăn, trong đó, con người luôn luôn là chủ thể. Đó phải bắt đầu từ nhận thức, không chỉ vì sức khỏe của cá nhân mà còn vì tương lai của giống nòi, của các thế hệ con cháu. Nông sản sạch, thực phẩm sạch phải trở thành một chiến lược quốc gia nếu chúng ta muốn dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đất nước cường thịnh. Hãy nhìn xa hơn và nghĩ xa hơn, nhìn ra thế giới và nghĩ về tương lai đất nước mình. Chúng ta không thể vừa vác đơn kiện Mỹ về chất độc da cam trong chiến tranh, vừa cho nhập các sản phẩm độc hại của chính những công ty đa quốc gia đã sản xuất ra chất độc da cam, gọi là “thuốc diệt cỏ”!
Khi diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 0,28% diện tích đất nông nghiệp, khi chỉ có 15% nông sản tới tay người tiêu dùng qua kiểm soát thì cuộc cách mạng sạch này hơn bao giờ hết cần được phát động và duy trì liên tục trên tầm quốc gia. Những con số phần trăm nói trên phải được thay đổi liên tục và thay đổi theo hướng nông sản sạch ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam. Những cửa hàng rau sạch, những siêu thị thực phẩm sạch, những cánh đồng nông sản sạch phải là chủ đề ưu tiên của các cơ quan chủ quản, của các tỉnh thành trong nước, và phải ngày càng trở nên quen thuộc, thân thiết với người tiêu dùng. Trong cuộc cách mạng này, truyền thông phải đóng vai trò quan trọng để góp phần tích cực vào sự chuyển đổi của cả một nền nông nghiệp. Đó là điều không hề dễ dàng nhưng không thể không làm.   
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm