Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cần ngăn chặn nạn phá rừng tìm trầm ở rừng Chín Ngọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng để tìm trầm ở xã vùng cao Phú Mỡ thuộc huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đang tái diễn.

Nếu như trước đây nhiều người đi trầm tại các khu vực rừng Suối Lạnh, La Hiên… thì nay họ đã chuyển sang khu rừng Chín Ngọn.

Quãng đường từ thôn Phú Tiến đến khu rừng Chín Ngọn dài khoảng 20km, trong đó có ít nhất 10km phải leo dốc với những hòn đá to lộ ra đầy mặt đường. Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ tôi mới tiếp cận được rừng Chín Ngọn với quang cảnh bị tàn phá bởi bàn tay con người.

Một khoảng rừng bị chặt phá ở Phú Yên.
Tại hiện trường ngổn ngang cây rừng đường kính gốc từ 0,7m trở lên, chiều cao hơn chục mét đổ ngã do bị cưa gốc hoặc bị đốt; đất rừng bị đào bới tung lên. Càng đi vào sâu càng thấy rừng bị tàn phá dữ dội bởi những người đi tìm trầm.

Lên đến một đồi cao, có khoảng 30 chiếc xe máy nhưng chỉ có 4 người đang cuốc đất tìm trầm. Hỏi ra mới biết những người khác dựng xe ở đây nhưng đã vào sâu trong rừng từ mấy hôm rồi.

Xung quanh họ, trong khoảnh rừng diện tích ước chừng một ha có gần mười cây to hơn một người ôm bị đào gốc ngã lăn lóc, ba cây khác bị đốt rễ; những cây quế bị cạo vỏ, những cây mật nhân lâu nay được đồn rằng chữa bách bệnh cũng bị chặt lấy gốc mặc dù thân cây chỉ bằng cổ tay….

Khó có thể tính toán sự thiệt hại của khu rừng nhưng đi đến địa điểm nào cũng dễ dàng nhận thấy rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Một thanh niên từng đi trầm ở đây (xin tạm gọi là Điệp) đưa tôi đi xem và cho biết diện tích rừng Chín Ngọn bị tàn phá lên tới cả nghìn ha.

Khoảng cuối những năm 90, những người từ Quảng Nam phát hiện rừng ở Phú Mỡ có trầm. Sau đó, người dân Kỳ Lộ, Suối Cối… thuộc xã Xuân Quang 1 biết được và theo học “nghề”. Từ năm 2009, tại khu vực này mới rộ lên tình trạng tìm trầm và kéo dài cho đến nay. Không chỉ người dân trong tỉnh Phú Yên mà nhiều người từ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Bình… cũng kéo đến tìm vận may.

Điệp bộc bạch việc người dân đổ xô tìm trầm chủ yếu là do nghe tin đồn nhưng hầu như không tìm được gì; cứ một nghìn người thì may ra chỉ 3, 4 người tìm được trầm thôi.

Nhận định của Điệp cũng giống như một số người tìm trầm mà chúng tôi gặp. Anh Nguyễn Văn Hậu ở thôn Suối Cối đang trên đường đi trầm về cho biết đang nghỉ hè nên tôi đưa con đi tìm trầm. Hai cha con lên đây đã bảy ngày nhưng không thấy gì lại tốn mấy trăm ngàn tiền mua gạo, cá khô và thực phẩm và còn hỏng bộ nhún xe. Anh Hậu mở một bao tải cho tôi, xem bên trong toàn quần áo, bạt nhựa, can đựng nước…

Chị La Mo Thị Mới ở thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1 vừa cuốc cỏ sắn vừa cho hay chồng chị đang theo mọi người đi tìm trầm. Mỗi chuyến đi như vậy mất từ 4-7 ngày, tốn ít nhất 400.000 đồng để mua gạo, thực phẩm và vài vật dụng khác, chưa kể chi phí xe cộ bị hỏng. Thế nhưng vì giấc mơ đổi đời nếu trúng trầm, nhiều người vẫn lao vào.

Anh Điệp cho biết thêm, ước tính phải có tới bốn, năm trăm người đang tìm trầm ở rừng Chín Ngọn. Nếu đi một đoạn xa nữa sẽ đến khu rừng có cây thông đỏ, loài cây quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam, khu rừng này cũng đang bị lâm tặc dùng máy cưa để khai thác.

Việc vận chuyển thông đỏ không hiểu được thực hiện theo cách nào, vì chỉ có một con đường độc đạo từ rừng Chín Ngọn xuống đến Phú Tiến mà trên đoạn đường lại có một trạm kiểm soát lâm sản!

Mùa mưa bão năm 2009, tại huyện Đồng Xuân đã xảy ra trận lũ lớn chưa từng có làm chết 39 người, người dân địa phương cho rằng đó là do hậu quả của việc phá rừng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính quyền huyện Đồng Xuân cũng như tỉnh Phú Yên chưa có những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng ở đây.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm