Phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ mang đến nhiều lợi ích.
Ngày 15/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”.
Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Ủy ban Đối tác công tư trong Hội đồng quốc gia về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho rằng, phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích quan trọng nhất là thoái sức Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết; thu gọn bộ máy quản lý Nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Ông Lộc phân tích, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Trong ngành bán lẻ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại.
Trong một số lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như: sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện ảnh, công chứng, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao… cũng đã có sự tham gia của tư nhân.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong các lĩnh vực, nếu có sự tham gia của tư nhân thì đều đạt được những kết quả tích cực, tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi. Trong bối cảnh đầu tư công, chi tiêu công đang rất hạn chế thì nguồn lực tư nhân là rất quan trọng. Lợi ích của tư nhân không chỉ là vốn mà trình độ quản trị, cách thức quản trị cũng rất tốt. Đây có thể coi là lực đẩy, là “tài sản” quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Tuấn chia sẻ, hiện nay còn rất nhiều dịch vụ công do các cơ quan Nhà nước thực hiện vẫn trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước, như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực… cách làm này nhiều khi đẩy cơ quan Nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi. Điều này gây nên tình trạng không minh bạch, tạo cơ chế xin - cho. Mặt khác, việc tạo quyền cung cấp dịch vụ công cho giới hạn các doanh nghiệp tư nhân tham gia lại tạo nên cơ hội của độc quyền tư nhân.
Theo một khảo sát của VCCI, ở đó các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chính trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Kết quả cho thấy, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về những nguy cơ khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công như có thể tăng giá dịch vụ, khó kiểm soát chất lượng, gian dối trong kinh doanh, thậm chí cả độc quyền, tham nhũng…
Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia nghiên cứu PPP của USAID cho rằng, trong quá trình chuyển giao, vai trò tạo lập luật chơi của Nhà nước sẽ quyết định sự thành công, mục tiêu cuối cùng của việc chuyển giao là tạo ra dịch vụ tốt hơn, chi phí rẻ hơn và tạo thuận lợi hơn cho người dân.
"Để đảm bảo được mục tiêu này, Nhà nước cần đảm bảo quyền bình đẳng trong tham gia cung cấp, có cơ chế giám sát chặt chẽ, đấu thầu minh bạch. Đây là giải pháp tối ưu để gỡ bỏ các lo lắng của cơ quan Nhà nước là khu vực tư nhân chạy theo lợi nhuận, không đảm bảo yêu cầu”, ông Giang cho hay.
Chung Thủy (VOV.VN)