Hàng năm, bình quân số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT toàn tỉnh khoảng 34.000 em. Công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Gia Lai (các hệ từ sơ cấp đến cao đẳng) được duy trì bằng nhiều hình thức nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu được duyệt. Năm 2022, nhà trường tuyển sinh chỉ đạt 64%, trong đó, hệ cao đẳng nghề đạt 59,2%, trung cấp nghề hơn 70%, hệ sơ cấp hơn 54%.
Tổng hợp trong 3 năm (2019-2021), số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai từ sơ cấp đến cao đẳng là 3.113/9.018 học sinh, đạt 34,5%. Riêng số học sinh tốt nghiệp THPT, ngoài những em học lên đại học, cao đẳng, trung cấp (84%), còn lại 16% trở về gia đình lao động phổ thông. Ở đây, chúng ta thấy việc phân luồng học sinh THCS, THPT còn nhiều bất cập.
Một lớp đào tạo nghề may cho lao động người dân tộc thiểu số tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.T |
Điều 6 Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) có nêu: “Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội”. Do vậy, các cơ quan quản lý giáo dục cần có quy chế, chính sách cụ thể nhằm phân luồng học sinh một cách khoa học, đạt yêu cầu; tư vấn cho một bộ phận học sinh tham gia học nghề một cách thiết thực, hiệu quả.
Hiện nay, đa số học sinh và phụ huynh vẫn thích các trường dạy nghề có chương trình 9+ để học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học hệ giáo dục thường xuyên nhằm đạt trình độ tốt nghiệp THPT, có điều kiện để học nâng cao trình độ nghề nghiệp. Nếu để tình trạng tuyển sinh học sinh lớp 9 vào học trung cấp nghề (2 năm) như hiện nay, khi ra trường các em mới ở tuổi 17, chưa đủ tuổi lao động nên không thể xin vào các cơ quan, doanh nghiệp hay tự khởi nghiệp. Việc học sinh ít chuộng học nghề là do tư tưởng sính bằng cấp, “thích làm thầy hơn làm thợ”. Đa số các bậc phụ huynh đều muốn con mình phải được học đại học, cho dù sau đó thất nghiệp hoặc làm việc trái với ngành nghề được đào tạo. Điều này gây lãng phí về thời gian và tiền bạc, không đem lại hiệu quả thực chất là trang bị cho bản thân một nghề nghiệp vững chãi.
Một khía cạnh khác khiến cho học sinh không mặn mà với việc học nghề, đó là chương trình đào tạo nghề ở các trường dạy nghề hiện tại không cập nhật kịp với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đang phát triển; đồng thời, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường còn thiếu thốn, lạc hậu, học sinh không được tiếp cận với máy móc hiện đại; việc rèn luyện kỹ năng nghề còn coi nhẹ nên tỷ lệ học sinh đạt chuẩn kỹ năng khi ra trường thấp dẫn đến tìm việc làm khó.
Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu quan trọng là việc liên kết giữa trường dạy nghề với các doanh nghiệp nhằm đào tạo học sinh có địa chỉ. Sự liên kết này càng chặt chẽ, bền vững thì uy tín của nhà trường càng được nâng cao. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số tại chỗ, chúng ta cần có chính sách đặc thù bên cạnh chính sách ưu đãi chung của Nhà nước như: tăng thêm trợ cấp hàng tháng, mở rộng đối tượng miễn giảm học phí, bảo lưu kết quả học tập khi các em gặp khó khăn, tạo điều kiện cho các em trở lại học tiếp…
Hàng năm, cần thiết bổ sung kinh phí để trang bị cho các cơ xưởng, phòng thí nghiệm, thực hành với công nghệ hiện đại; tuyển dụng giáo viên có tay nghề giỏi để rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh đạt chuẩn quốc gia.
Để Trường Cao đẳng Gia Lai thực sự trở thành nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh nhà, các ngành, các cấp cần quan tâm một cách thiết thực, cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.