Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 6-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam-Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Lãnh đạo UBND cấp huyện, Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường học… cũng tham dự hội nghị tại đầu cầu 17 huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi



Năm học 2018-2019, toàn ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về GD-ĐT. Theo đó, tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; đẩy mạnh triển khai hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên. 63 sở GD-ĐT, 710 phòng GD-ĐT, 52.900 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên cả nước đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.

Chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn quốc có 99,8% các cơ sở giáo dục mầm non áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ. Đến nay, cả nước có 43/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh; 63/63 địa phương triển khai các chương trình ngoại ngữ mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá được đẩy mạnh; đã xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng, trên 900 đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trên 7.500 luận án tiến sĩ, gần 30 ngàn câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông; bố trí đầy đủ quỹ đất để xây dựng trường học. Đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp lại các trường đại học sư phạm, tập trung vào các trường trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy. Bộ GD-ĐT phải tăng cường công tác thanh-kiểm tra các trường đại học “hữu danh vô thực” để kịp thời chấn chỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục và ngừng các ngành đào tạo kém chất lượng.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị. Ảnh: Hồng Thi
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị. Ảnh: Hồng Thi



Về giáo viên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa-thiếu cục bộ hiện nay; có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể cần phối hợp cùng với nhà trường, gia đình và xã hội chung tay giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, đồng chí cũng nhấn mạnh các giải pháp nhằm tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tự chủ tại một số đơn vị trường học, nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, song lưu ý không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua các nguyên lý giáo dục căn bản; quan tâm hơn nữa đến giáo dục miền núi; phát huy vai trò của tổ chức hội khuyến học các cấp…

Dịp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định tặng Cờ thi đua cho 7 sở GD-ĐT và bằng khen cho 23 sở GD-ĐT có thành tích tiêu biểu xuất sắc,dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm