(GLO)- Rao bán tiền giả công khai đang xuất hiện đầy rẫy trên các trang mạng xã hội, đánh vào lòng tham của nhiều người. Thực hư của thủ đoạn này là như thế nào?
Rao bán công khai
Chỉ cần tham gia vào các nhóm bán hàng công khai, người dùng Facebook rất dễ bắt gặp những tin rao bán tiền giả. Khi chủ một tài khoản Facebook nào đó muốn tham gia các nhóm bán hàng này, chỉ cần click chuột vào nút “tham gia” và được công nhận là thành viên. Khi đó, bạn sẽ được cấp quyền phê duyệt cho thành viên mới tham gia. Và khi trở thành thành viên của nhóm thì ai cũng có quyền đăng sản phẩm bán hàng trong trang của nhóm, cũng như tương tác thông qua comment và kết nối trao đổi thông tin, mua-bán sản phẩm…
Ảnh chụp từ màn hình điện thoại một số tin rao bán tiền giả trên các nhóm bán hàng. |
Chính bởi sự không giới hạn của “thế giới phẳng”, các đối tượng lừa đảo dễ dàng gia nhập để hoạt động. Đáng chú ý là các tin rao bán tiền giả. Các tin rất hấp dẫn, đánh trúng vào điểm yếu của nhiều người. Đơn cử tin của một chủ tài khoản Facebook có tên Hoàng Mỹ Linh: “ĐỔI TIỀN GIẢ UY TÍN-Bên mình có ĐỔI TIỀN GIẢ nhé. Bạn nào cần cứ inbox”. Click vào tài khoản cá nhân của chủ nhân trên, hàng loạt tin rao bán tiền giả được chủ tài khoản cập nhật. “Lô hàng mình mới nhập. Ai có nhu cầu đổi tiền giả thì inbox. Giá tiền 1 thật đổi được 8 giả. Bạn nào đổi nhiều thì mình fix thêm giá…” kèm theo là hình ảnh lô tiền giả mới với các mệnh giá 100-500 ngàn đồng…
Có vô vàn lý do được các đối tượng lừa đảo bán tiền giả đưa ra để “câu” mồi. “Bé còn ít tiền lậu cần thanh lý gấp để sang Mỹ định cư với gia đình. Ai nợ nần, kẹt tiền inbox để biết thêm chi tiết”… (chủ tài khoản rao tin có tên Hồng Quyên). Những loại tin rao bán tiền giả nhan nhản, hầu như ngày nào cũng có thể bắt gặp trên trang bán hàng của các nhóm này. Mức độ quan tâm của người dùng dành cho các tin nhắn loại này cũng không hề ít. Mỗi tin rao thường có kha khá lượng người vào hỏi han và để lại lời nhắn hoặc số điện thoại di động để chủ tài khoản trao đổi thông tin cụ thể.
Cẩn trọng kẻo mất tiền oan
Tin rao bán tiền giả của tài khoản Facebook Hồng Quyên sau 13 giờ có 24 lượt comment, trong đó rất nhiều chủ tài khoản sẵn sàng để lại số điện thoại di động để tiện liên lạc. Một số tài khoản băn khoăn hỏi giá, hỏi độ thật của tiền, địa chỉ đổi tiền ở đâu, có thể đổi tiền ở địa điểm nào… Một vài trường hợp comment cảnh báo “Lừa đảo”, “Nó đòi đặt cọc rồi biến mất đấy. Đừng tin” hay “Bọn lừa đảo, anh em cứ cọc đi rồi nó chặn Facebook, chặn điện thoại hết nhé”… Mặc dù có đủ phản hồi thuận và trái chiều, rất nhiều chủ tài khoản vẫn tiếp tục để lại lời nhắn trong comment mong chủ tài khoản inbox qua thông tin trao đổi… Điểm chung của hầu hết các chủ tài khoản rao bán tiền giả là đều có trang cá nhân sơ sài, chỉ đăng tin bán tiền giả, treo ảnh tiền giả và trưng ảnh chụp hóa đơn, hợp đồng giao dịch… Sau thời gian hoạt động, tài khoản sẽ xóa, không còn tìm được tin rao và chủ của nó.
Mặc dù chưa có tài khoản nào là thành viên các nhóm bán hàng này đứng ra công khai thừa nhận mình đã từng bị lừa và cảnh báo mọi người tránh xa nhưng thông qua các comment tương tác, nhiều người đã nhận ra thủ đoạn lừa đảo. Tra cứu trên google với từ khóa tìm kiếm “lừa đảo bán tiền giả”, chỉ trong 0,71 giây sẽ cho ra 330.000 kết quả. Trong số đó, rất nhiều bài viết đã phản ánh về tình trạng này và nhắc nhở mọi người cảnh giác, không vì chút lòng tham mà mất tiền oan và thậm chí vi phạm pháp luật… Ngoài lừa đảo bằng cách rao bán tiền giả, một số đối tượng còn treo tin bán xe máy nhập lậu đời mới đang được ưa chuộng như: SH, Vespa, Liberty, Airblade… với giá chỉ 5-10 triệu đồng và lý giải, giá rẻ là do xe nhập lậu! Chiêu thức lừa cũng tương tự như lừa mua tiền giả, là yêu cầu khách đặt cọc tiền rồi… biến mất!
Hãy tỉnh táo trước những lời rao hấp dẫn, hình ảnh bóng bẩy để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Các cơ quan chức năng cũng cần sớm có biện pháp can thiệp để ngăn chặn loại ội phạm này.
Hải Lê