Bạn đọc

Cẩn trọng với thông tin về Covid-19 trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi cả hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai đang căng mình chống dịch Covid-19 thì trên mạng xã hội đã lan truyền một số thông tin không chính xác khiến người dân hoang mang. Các ngành chức năng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tung tin bịa đặt, thiếu chính xác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến công tác phòng-chống dịch trên địa bàn.
Lo sợ trước tác hại của dịch Covid-19, nhiều người dân lại tiếp cận các thông tin không chính thống trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Đơn cử như sáng 30-1, ngay sau khi UBND tỉnh công bố thông tin 2 vợ chồng trú tại thị xã Ayun Pa có mẫu xét nghiệm dương tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2 là chị T.T.H.T. và anh H.L.H. thì trên một số nhóm Zalo và Facebook đã lan truyền văn bản thông tin lịch trình của ông Lâm Quang Sơn và chị Nguyễn Thị Hồng Lý ở thị xã Ayun Pa. Trong đó viết: “Ngày 23-1, ông Sơn và chị Lý bay từ Hà Nội về Pleiku có mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Gia Lai (tức Siêu thị Co.op Mart Pleiku-P.V) rồi mới về Ayun Pa”. Hầu hết người đọc thông tin này đều hiểu nhầm đây là 2 trường hợp vợ chồng đã dương tính với vi rút SARS-CoV-2 dẫn đến hoang mang, lo lắng.
Chị Võ Thị Nga (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hầu như ngày nào tôi cũng ghé Siêu thị Co.op Mart Pleiku để mua hàng. Khi nghe thông tin có 1 nam, 1 nữ lại ở thị xã Ayun Pa đi từ ngoài Bắc vào ghé siêu thị nên tôi tưởng nhầm đó là 2 trường hợp đã dương tính nên rất lo lắng. Nhiều người cũng bị nhầm như tôi. Khi đã bình tĩnh, tôi mới biết rõ đó không phải là trường hợp dương tính nên mới thở phào nhẹ nhõm”.
Các ca dương tính với vi rút chưa từng đến mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Các ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 chưa từng đến mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: “Ngay sau khi thông tin thất thiệt này được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh rõ. Hóa ra, đây là bản kê khai y tế của 2 trường hợp trở về từ tỉnh Quảng Ninh, họ cũng ở thị xã Ayun Pa nhưng không phải là 2 ca dương tính”.
Bên cạnh đó, một số trang Facebook cũng đã đăng tải thông tin về việc các tỉnh lân cận như: Phú Yên, Bình Định, Kon Tum… lập chốt phòng dịch Covid-19, kiểm tra y tế người đến từ vùng dịch Gia Lai. Tuy nhiên, việc giật tít chưa chính xác như: “Bình Định lập chốt, cách ly tập trung tất cả những người đến từ Gia Lai”… đã được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” khiến người dân lo ngại, hiểu nhầm về việc “ngăn sông, cấm chợ”, gián đoạn giao thông vì dịch bệnh.
Anh Nguyễn Thành Nam (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi có hàng hóa phải vận chuyển xuống tỉnh Bình Định gấp vì đã ký hợp đồng với đối tác, nếu không giao hàng đến kịp thời sẽ gây thiệt hại nặng nề. Khi thấy mọi người chia sẻ thông tin này, tôi khá lo sợ nên phải hỏi rất nhiều nơi mới biết rằng lực lượng chức năng tỉnh Bình Định chỉ cách ly tập trung những người đến, ở, về từ huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa chưa qua 14 ngày”.
Một số trang Facebook giật tít gây hiểu nhầm.
Một số trang Facebook giật tít gây hiểu nhầm.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều tin giả, tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và làm phức tạp cho công tác phòng-chống dịch Covid-19. Do đó, Sở đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến dịch Covid-19 đến người dân nhằm nâng cao cảnh giác, trách nhiệm của mình với thông tin trôi nổi, thất thiệt trên mạng xã hội. Trong đợt phòng-chống dịch bệnh này, Sở đã tham gia vào Tổ tuyên truyền do UBND tỉnh thành lập; phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh các nội dung thông báo khẩn về tình hình dịch bệnh, gửi các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền; gửi trực tiếp các nội dung này đến hơn 600 ngàn tài khoản Zalo của người dân trên địa bàn tỉnh”.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh thì khẳng định: “Công an tỉnh sẽ phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường rà soát nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận. Đề nghị người dân nên tiếp cận thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống, đó là những thông tin đáng tin cậy được cung cấp từ Chính phủ, UBND tỉnh, các bộ, ngành... Nếu phát hiện tin giả, xấu độc, mong người dân kịp thời thông báo, hỗ trợ với lực lượng chức năng để xử lý”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm