Bạn đọc

Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, số lượng hợp đồng, giao dịch, chủ yếu là thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… liên quan đến đất đai và các tài sản khác của người dân trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng nhiều. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng theo đó xuất hiện nhiều hơn.

Tình trạng giả mạo diễn biến phức tạp

Toàn tỉnh hiện có 15 tổ chức hành nghề công chứng gồm 3 phòng công chứng và 12 văn phòng công chứng với 33 công chứng viên. Từ năm 2016 đến 2018, các tổ chức này đã thực hiện công chứng hơn 226.000 hợp đồng, giao dịch, trong đó có nhiều hợp đồng, giao dịch đa dạng, phức tạp. Trên thực tế, do quá trình di biến động, một số chủ thể có nhiều địa chỉ và giấy tờ tùy thân cấp đã lâu nên xuất hiện tình trạng giả mạo, mạo danh chủ thể trong hoạt động công chứng. Đặc biệt, tình trạng này có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp. Đơn cử, ngày 23-4-2018, Phòng công chứng số 1 (Sở Tư pháp) thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp tài sản giữa bên thế chấp là bà Rah Mah D. và bên nhận thế chấp là 1 ngân hàng thương mại. Sau khi kiểm tra, đối chiếu, công chứng viên nhận thấy có nhiều điểm nghi vấn như ảnh trong chứng minh nhân dân không có dấu giáp lai nổi lên và không được dán khớp với ô vuông. Qua đối chiếu dấu vân tay trên hợp đồng thế chấp và trên chứng minh nhân dân của bà Rah Mah D, công chứng viên thấy không trùng khớp. Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng vẫn khẳng định mình tên là Rah Mah D. rồi... bỏ về. Sau đó, công chứng viên gửi các giấy tờ của bà Rah Mah D. sang Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) để yêu cầu giám định. Hôm sau, chủ thể thật là bà Rah Mah D. mới lên Phòng công chứng thừa nhận mình nhờ người cùng làng giả đi công chứng để vay tiền vì... không biết chữ và ngại ra đường. Sở Tư pháp đã xử phạt hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với bà Rah Mah D. về hành vi làm giả giấy tờ hoặc mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng giao dịch.

 Người dân đến giao dịch tại Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp). Ảnh: Đ.T
Người dân đến giao dịch tại Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp). Ảnh: Đ.T



Tại vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, kẻ xấu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của bà con để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng đã thông đồng, móc nối, cho tiền một số người có uy tín của địa phương để làm chứng việc sai sự thật. Đa số người làm chứng và người yêu cầu công chứng đều không biết chữ, đối tượng lừa đảo dẫn họ lên văn phòng công chứng để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại nói dối là làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Hậu quả của việc này là nhiều người bỗng dưng bị mất đất mà không hiểu lý do vì sao. Đơn cử như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đất đai của nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê mà Công an tỉnh đang điều tra. Trong vụ này, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Chư Sê cùng 3 cán bộ khác đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã “tiếp sức” cho tội phạm lừa đảo.

Càng xảo quyệt hơn, các đối tượng giả mạo thường xuất hiện vào lúc các tổ chức hành nghề công chứng đông khách hay gần trưa, xế chiều để có thể lợi dụng việc công chứng viên vì bận rộn hoặc nôn nao việc nhà mà không kiểm tra kỹ càng hồ sơ hòng qua mặt. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo trong hoạt động công chứng để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo quy định, công chứng viên chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong một số trường hợp như đối với “người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. Tuy nhiên, “lý do chính đáng” ở đây là gì thì luật không quy định cụ thể rõ ràng nên trên thực tế việc công chứng ngoài trụ sở hiện nay khá phổ biến. Thậm chí, có tổ chức hành nghề công chứng còn quảng cáo phục vụ mọi lúc, mọi nơi, sẵn sàng cho nhân viên của mình đi lấy chữ ký ngoài trụ sở. Đây là điều rất đáng lo ngại vì việc xác định nhân thân của người yêu cầu công chứng, nhận dạng người thật và người trên giấy tờ tùy thân, lăn tay điểm chỉ, so sánh dấu vân tay để xác định đúng chủ thể là rất khó. Chưa hết, theo quy định, công chứng viên là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng sau khi kiểm tra đầy đủ giấy tờ. Tuy nhiên, trên thực tế, người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng lại là chuyên viên, nhân viên hợp đồng. Sau khi hoàn tất hồ sơ, chuyên viên mới mang vào phòng cho công chứng viên ký. Nếu số lượng hồ sơ và khách hàng nhiều, không phải lúc nào công chứng viên cũng kiểm tra kỹ càng.

Cần giải pháp ngăn chặn hiệu quả

Từ thực trạng trên, để hạn chế các rủi ro, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho người dân, tổ chức hiểu các quy định pháp luật cũng như mức xử lý về hành vi giả mạo giấy tờ, chủ thể; thông tin về các thủ đoạn giả mạo, mạo danh nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần phát giác và tố giác vi phạm trong nhân dân. Tiếp đó là đẩy nhanh tốc độ và đưa ra cách thức, giải pháp xây dựng quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, cung cấp và cập nhật dữ liệu thông tin công chứng được kịp thời. Một khi đã phát hiện được chủ thể giả mạo thì đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu để các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương biết được đối tượng nhằm ngăn chặn, tránh tình trạng đối tượng không giả mạo chủ thể được ở tổ chức hành nghề công chứng này thì đi đến tổ chức khác để tiếp tục hành vi sai trái. Điều cần thiết nữa là phải xây dựng, thực hiện thường xuyên quy chế phối hợp trong việc đấu tranh với hành vi giả mạo chủ thể giữa cơ quan Công an và tổ chức hành nghề công chứng. Cuối cùng là công chứng viên phải thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng phân biệt thật-giả.

“Trong thời gian tới, theo chỉ đạo tại Công văn số 1041/UBND-NC ngày 17-5-2019 của UBND tỉnh, Hội Công chứng viên tỉnh sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng về các lĩnh vực trên địa bàn để cung cấp thông tin chính xác về tài sản, ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo, mạo danh chủ thể để thực hiện các giao dịch. Có như vậy, các hợp đồng, giao dịch sẽ được bảo đảm an toàn, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các bên, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương”-một cán bộ Phòng công chứng số 1 cho hay.

 HOÀNG MINH KHỞI

Có thể bạn quan tâm