Thời sự - Bình luận

Cần xây dựng môi trường sống an toàn, hòa hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy ngày qua, nhiều người bàn luận về ý kiến phát biểu của PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, xung quanh nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở đồi núi trong các trận lũ lụt ở nước ta, nhất là các đợt lũ lụt, sạt lở ở các tỉnh miền Trung mới đây, gây ra những thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản của nhân dân. 
Ông nói: “Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép các đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới. Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa. Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó, vì thay đổi trên văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy thì không dễ tẹo nào”.
Đây là một trong những ý kiến đi thẳng vào vấn đề khá “nóng” hiện nay trong việc bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái, phòng-chống biến đổi khí hậu. Vì thế, vị đại biểu Quốc hội này cũng đề nghị, chúng ta cần có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lũ, sạt lở đất.
Có thể nói, bão lũ ở nước ta là một tai họa thiên nhiên xảy ra hàng năm nhưng mỗi ngày lại thêm trầm trọng, tác hại lớn hơn, gây ra nỗi kinh hoàng cho đồng bào ta, nhất là các trận lũ ống, sạt lở đất như ở miền Trung vừa qua.
Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiên tai, nhưng quan trọng nhất là do con người tàn phá môi trường tự nhiên, trong đó có việc phá rừng bừa bãi để thực hiện các dự án thiếu quy hoạch, thiếu cân nhắc thận trọng. Nhiều người vô tình hay cố ý nhầm lẫn tác dụng giữa rừng trồng và rừng tự nhiên. Các nhà khoa học đã khẳng định, rừng tự nhiên là nguồn sống của muôn loài, trong đó có con người; nó có tác dụng làm ngăn cản sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhiều bộ tộc trải qua bao thế hệ đã sống gắn bó với rừng, có những phong tục tập quán phong phú, đặc sắc, trong đó có tín ngưỡng xem rừng là vật hữu linh, đó là “thần rừng” và có các quy ước trong cộng đồng là không được phá rừng. Khi họ muốn chặt cây rừng để làm nhà hay phát khoảnh rừng để làm nương rẫy đều phải thực hiện nghi lễ cúng “thần rừng”. Có thể xem cách ứng xử với rừng của các bộ tộc miền núi này là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát triển trong các cộng đồng khác.
a
Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiên tai, nhưng quan trọng nhất là do con người tàn phá môi trường tự nhiên, trong đó có việc phá rừng bừa bãi. Ảnh: M.VINH/nguồn TTO
Để bảo vệ được diện tích rừng còn lại trên đất nước ta hiện nay, bên cạnh việc phải nghiêm túc thực thi Luật Lâm nghiệp, chúng ta cần kiên quyết loại bỏ các dự án có tác động xấu đến rừng và đất rừng. Các diện tích rừng bị tàn phá trước đây cần có quy hoạch để nuôi lại rừng lâu dài, đồng thời với việc trồng rừng và phát triển nghề rừng cho cư dân vùng đệm.
Về lâu dài và căn cơ phải chú trọng đến giáo dục cho thế hệ trẻ từ trong nhà trường biết yêu thiên nhiên, sống hài hòa và gắn bó với thiên nhiên; có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, trong đó có bảo vệ rừng. Trong các nội dung giáo dục cần phải lồng ghép các yêu cầu nói trên một cách thường xuyên và linh hoạt nhằm đạt đến mục tiêu giáo dục.
Đối với việc phòng-chống thiên tai, những thảm họa do mưa lũ, sạt lở đất tại các vùng miền ở nước ta hiện nay và trong tương lai, chúng ta cũng cần hoạch định các phương án căn cơ nhằm giảm thiểu sự tác hại, bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân tại những nơi có nguy cơ bị tác động.
Trước mắt, Nhà nước cần tổ chức các đoàn thăm dò, điều tra, khoanh vùng những nơi có khả năng gây ra thảm họa khi có bão lũ để lập bản đồ cảnh báo sớm cho người dân hoặc di dời các buôn làng trong vùng nguy cơ đến sinh sống nơi khác an toàn hơn. Cần có giải pháp để nhân dân có thể sống chung với lũ lụt ở một số vùng, trong đó nghiên cứu loại nhà ở phù hợp, xây dựng các điểm trú ẩn an toàn cho các cụm dân cư, trang bị các loại phương tiện cần thiết để phòng-chống thiên tai, tìm hiểu phương cách sản xuất phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống người dân…
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của nước ta trong thời gian đến, giảm thiểu sự thiệt hại do thiên tai đem lại, chúng ta cần phải thay đổi lối tư duy “ăn xổi ở thì”, thấy cái lợi trước mắt mà đánh đổi lợi ích lâu dài; lấy phương châm sống hòa hợp với thiên nhiên làm trọng, xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm