Càng lớn tuổi, càng dễ chóng mặt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi dễ bị chóng mặt hơn xưa. Trong các chuyến dã ngoại, leo núi, một vài động tác gấp hay một con đường dốc, ngoằn ngoèo cũng làm tôi hoa cả mắt…
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Đợt leo núi vừa rồi, tôi chóng mặt và cứ phải bò từng bước xuống các bậc thang uốn lượn bên sườn núi, cho dù tôi không hề sợ độ cao, sức khỏe đang tốt và leo núi cũng là sở thích của tôi từ thời thiếu niên. Đi công viên giải trí, theo cháu lên đu quay cũng cảm thấy xây xẩm. Bước vào căn nhà có nền hơi nghiêng cũng cám thấy chóng mặt, choáng váng, hoa mắt, mệt mỏi…
Đó có là dấu hiệu của bệnh gì không? Tôi nên làm gì để khắc phục, vì thật sự nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống? Phải chăng chỉ vì tôi đã già rồi?
(Trần Đình Tú, nam, 55 tuổi, quận 4, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:
Chào anh, trước hết triệu chứng chóng mặt biểu hiện nhiều bệnh lý khác nhau. Thường gặp nhất là do rối loạn tiền đình (rối loạn hệ thống ốc tai tiền đình). Đây cũng là vấn đề mà nhiều người hay gặp khi dần lớn tuổi. Hệ thống tiền đình đóng vai trò giúp chúng ta thăng bằng nên các vấn đề xảy ra với nó sẽ khiến anh dễ cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng.
Ngoài ra, ở tuổi anh, chóng mặt còn có thể do thiểu năng tuần hoàn não do xơ vữa động mạch, tăng hoặc giảm huyết áp, tăng hoặc giảm nhịp tim…
Những vấn đề nêu trên đều cần được bác sĩ thăm khám để đưa ra chẩn đoán chính xác và phương án điều trị phù hợp. Nhất là, theo trong thư, anh cảm thấy vấn đề này đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của anh.
Anh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, làm các xét nghiệm kiểm tra: siêu âm Doppler động mạch cảnh, holter nhịp tim/holter huyết áp 24 giờ, cholesterol máu, khám tai mũi họng... để tìm nguyên nhân chính xác.
Với tuổi tác và tình trạng thường xuyên chóng mặt, anh cũng nên tránh chơi các trò chơi hoặc các tư thế dễ gây mất thăng bằng, ví dụ trò đu quay trong công viên giải trí. Nếu cháu anh còn nhỏ, cần người đi kèm, nên để cháu đi với cha, mẹ, anh, chị… trẻ tuổi hơn và không gặp cảm giác khó chịu khi tham gia trò chơi.
Anh cũng nên tránh việc thay đổi tư thế đột ngột, ví dụ như đang nằm bỗng ngồi bật dậy, đang ngồi bỗng đứng lên, vươn cao để lấy vật gì đó quá gấp… Những tư thế đó cũng không tốt cho tiền đình và tuổi tác anh.
Ngoài việc thăm khám và điều trị bệnh (nếu có), anh nên duy trì chế độ vận động, tập thể dục, dưỡng sinh, các môn thể thao hợp với tuổi và sức khỏe… thường xuyên, điều đó cũng giúp anh cải thiện ít nhiều triệu chứng.
Anh Thư  (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm