Giới chuyên gia y tế thế giới hôm 9-12 cảnh báo virus gây chết người Nipah "có nguy cơ bùng phát thành đại dịch" vì loài dơi ăn trái Pteropus mang virus này đã được tìm thấy tại nhiều khu vực.
Được phát hiện lần đầu tiên tại Malaysia và Singapore vào năm 1999, virus Nipah từng làm bùng phát dịch bệnh với tỉ lệ tử vong 40%-90% trước khi di chuyển hàng ngàn ki-lô-mét đến Bangladesh và Ấn Độ. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt Nipah vào danh sách ưu tiên đối phó, hiện vẫn chưa có thuốc hay vắc-xin chống lại virus này. Theo Reuters, virus Nipah từng làm bùng phát dịch bệnh tại bang Kerala - Ấn Độ hồi năm 2018, khiến 17 người thiệt mạng.
Nhân viên y tế khuân thi thể một người thiệt mạng vì virus Nipah ở Kozhikode - Ấn Độ hồi năm 2018 Ảnh: REUTERS |
"20 năm đã trôi qua kể từ khi phát hiện Nipah nhưng thế giới vẫn chưa có sự chuẩn bị phù hợp để đối phó với mối đe dọa sức khỏe toàn cầu đến từ virus này" - ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh Các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (Cepi), đánh giá. Cepi được thành lập vào năm 2017 để hỗ trợ nỗ lực phát triển vắc-xin đối phó với những căn bệnh truyền nhiễm mới và một trong những mục tiêu đầu tiên của họ là virus Nipah.
Mặc dù Nipah lây nhiễm sang người chủ yếu từ heo và một số loại dơi ăn trái, virus này cũng có thể lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, cũng như từ thực phẩm bị nhiễm virus. "Virus Nipah đến giờ chỉ làm bùng phát dịch bệnh tại Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, virus này có nguy cơ bùng phát thành đại dịch vì loài dơi Pteropus đã được tìm thấy tại vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi cư trú của hơn 2 tỉ người" - ông Hatchett khẳng định, đồng thời cảnh báo virus Nipah có nguy cơ lây lan đến những khu vực đông dân do có thể lây nhiễm từ người sang người.
Theo Cao Lực (NLĐO)