Sức khỏe

Cảnh báo dị ứng kim loại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dị ứng là một phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch trong cơ thể. Cơ thể xảy ra phản ứng khi tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường bên ngoài mà đôi khi các yếu tố này là vô hại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có một loại vật chất mà chúng ta thường tiếp xúc có khả năng gây dị ứng mà chúng ta ít nhận ra, đó là kim loại.

Kim loại thường được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, dùng để tạo ra các sản phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, gần gũi nhất là các loại trang sức, phụ kiện. Trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực cấy ghép (nha khoa, khớp học…), nhiều sản phẩm y tế cũng được làm từ kim loại. Về mặt nhu cầu, các sản phẩm làm từ kim loại như bạch kim, vàng, bạc, niken… đáp ứng rất tốt cả về tính công năng và thẩm mỹ. Về mặt an toàn sức khỏe, đặc biệt ở góc độ bệnh dị ứng, kim loại tiềm ẩn một nguy cơ gây ra tình trạng quá mẫn cho cơ thể, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng.

Theo thống kê, các kim loại niken, coban, crom, đồng, chì, sắt là các kim loại thường gây dị ứng, trong đó niken chiếm tỷ lệ hàng đầu. Tỷ lệ dị ứng với niken ở nữ giới chiếm khoảng 15% - 17% và nam giới là khoảng 3%. Các kim loại như bạch kim, vàng, bạc nguyên chất, palladium, titan hiếm gây dị ứng hơn rất nhiều. Cơ chế gây ra dị ứng với kim loại là phản ứng quá mẫn muộn, thông qua trung gian tế bào (type IV - theo phân loại cơ chế dị ứng học của Gells và Coombs). Các dị nguyên kim loại thâm nhập vào da, khởi phát lên các phản ứng dị ứng muộn, liên quan đến tế bào lympho Th1. Vị trí hay gặp là các vùng da tiếp xúc trực tiếp với kim loại, hợp kim. Triệu chứng của dị ứng kim loại chủ yếu là biểu biện của viêm da tiếp xúc dị ứng với các dấu hiệu như: Ở giai đoạn cấp, tại vùng tiếp xúc sau một thời gian sẽ có các sẩn hồng ban, ngứa, có các mụn nước, bóng nước phồng rộp tập trung thành đám, kèm chảy dịch trong, nếu có bội nhiễm sẽ chảy dịch vàng, đục, có mủ, ngoài ra có thể có các vết trợt loét nông ở da; ở giai đoạn mạn tính, tổn thương da có đặc điểm là da dày, khô, tăng sắc tố, tróc vảy…

Khi xuất hiện các triệu chứng của viêm da tiếp xúc với kim loại, người bệnh cần đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu. Việc điều trị sẽ bao gồm: Ngưng tiếp xúc ngay các sản phẩm có nguồn gốc từ kim loại nghi gây dị ứng; dùng các thuốc điều trị chống dị ứng, kem dưỡng ẩm, kem mỡ có corticoid thoa tại chỗ, các dung dịch sát khuẩn như nước muối sinh lý, milian, kháng sinh đường uống, đường bôi trong trường hợp có nhiễm trùng…

Lời khuyên dành có những người có cơ địa dị ứng hoặc đã có tiền sử dị ứng với kim loại khi dùng các sản phẩm có nguồn gốc là kim loại: Không tiếp xúc với các loại kim loại mà bản thân đã biết bị dị ứng; không sử dụng các sản phẩm hợp kim có pha trộn các loại kim loại với nhau, đặc biệt là các kim loại dễ gây dị ứng như niken, crom, đồng (các trang sức, phụ kiện rẻ tiền, kém chất lượng, không rõ bản chất thường được xi mạ bên ngoài bằng niken, chì, đồng…); sử dụng các sản phẩm, trang sức bằng kim loại phải có nhãn mác của nhà sản xuất, có ghi rõ thành phần hợp chất (tránh sự pha trộn giữa các kim loại tạp dễ gây dị ứng). Trong trường hợp chưa rõ tác nhân loại kim loại, có thể đến bệnh viện có chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng để được thực hiện các test áp (patch test) để xác định chính xác loại kim loại gây dị ứng.

 

Bác sĩ Trần Thiên Tài

Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
 

Có thể bạn quan tâm