Sức khỏe

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân lao ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động phòng-chống lao bị gián đoạn, nhiều bệnh nhân không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời dẫn đến một số trường hợp bệnh chuyển nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị.
Sau thời gian chuyển đổi công năng làm bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, tháng 4-2022, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh trở lại hoạt động bình thường. Các hoạt động phòng-chống lao cũng nhanh chóng được triển khai. Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Từ tháng 4-2022 đến nay, Bệnh viện đã triển khai nhiều đợt khám sàng lọc và phát hiện gần 150 bệnh nhân lao mới, nâng tổng số bệnh nhân lao phát hiện từ đầu năm đến nay (tính cả số bệnh nhân đến khám) lên gần 600 ca. Nhiều trường hợp bệnh nặng, tổn thương diện rộng dẫn đến thời gian điều trị dài.
Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, ông Rơ Lan Juch (72 tuổi, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) ngại đến bệnh viện thăm khám sức khỏe. Khi bệnh trở nặng, ông Juch đến cơ sở y tế khám thì phát hiện bị bệnh lao. Do bệnh chuyển biến nặng nên ông được chuyển lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh điều trị. Ông cho hay: “Trước đây, tôi bị ho. Các cơn ho dai dẳng kèm theo mệt mỏi, sút cân. Tuy nhiên, do lo ngại dịch Covid-19 nên tôi không đến bệnh viện. Đến nay, tôi đi khám mới phát hiện bị bệnh lao. Bác sĩ cho biết sẽ phải mất nhiều thời gian điều trị”. Còn ông N.N.H. (54 tuổi, làng Sơ Kiết, xã An Trung, huyện Kông Chro) thì chia sẻ: “Đầu năm nay, tôi ho nhiều, mệt mỏi, đau ngực, khó thở. Tôi uống thuốc không đỡ mà bệnh càng nặng hơn. Giữa tháng 10-2022, tôi đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám thì phát hiện bị bệnh lao và tiểu đường”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Yè Thiên Pẩu (Khoa Nội B, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh), một số bệnh nhân đến khám khi bệnh đã nặng, cơ thể suy kiệt, phổi bị tổn thương. Điển hình như trường hợp ông Rơ Lan Plít (75 tuổi, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh). Cách đây 1 năm, ông Plít đã có triệu chứng chán ăn, ho nhiều. Gần đây, ông ho ra máu, khó thở và nhập viện mới phát hiện lao nặng, suy kiệt. “Đối với những bệnh nhân này, việc điều trị rất vất vả, lâu dài và phải theo dõi chặt chẽ bởi khả năng dung nạp thuốc kém, tổn thương qua suy gan. Khó khăn hiện nay là bệnh nhân lao bị suy gan nhưng kê thuốc điều trị gan lại không đúng mã bệnh và không được thanh toán bảo hiểm y tế. Điều này không chỉ khiến bệnh nhân chịu thiệt thòi mà còn gây khó khăn cho bệnh viện trong điều trị”-bác sĩ Pẩu nói.
Hiện nay, tình trạng bệnh nhân lao kháng thuốc cũng có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã ghi nhận 12 bệnh nhân lao kháng thuốc. Trong số này có 1 bệnh nhân lao bỏ trị, số còn lại không rõ nguyên nhân. Theo bác sĩ Pẩu, việc điều trị lao kháng thuốc rất khó khăn, bệnh nhân cần tuân thủ nguyên tắc điều trị nghiêm ngặt. 
Chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận (phường An Phú, thị xã An Khê) cho hay: “Cách đây 8 năm, tôi được điều trị khỏi bệnh lao. Thời gian gần đây, tôi thấy tức ngực, khó thở nên đã xuống Quy Nhơn khám và phát hiện bệnh lao kháng thuốc. Hiện nay, tôi điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh”.
Theo Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác phòng-chống lao. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lao, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Tại Gia Lai, ngành Y tế đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert). Theo đó, các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao được điều trị miễn phí đối với tất cả các thể lao với chính sách không để ai bị bỏ lại phía sau.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm