Sức khỏe

Dinh dưỡng

Cảnh báo lạm dụng thuốc "đề xa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lạm dụng thuốc "đề xa" hay corticoid để hy vọng mập ra, nhất là đối với trẻ em, là điều hết sức nguy hiểm.

Gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết UBND TP đã ký quyết định phạt một chủ nhà thuốc đông y bán thuốc có "đề xa" cho trẻ em tổng cộng 140 triệu đồng. Trong khi đó, thời gian qua, do quản lý thuốc đông y còn lỏng lẻo, đông dược giả mạo trộn corticoid bán trôi nổi gần như khắp nơi ở các vùng nông thôn.

Đừng tin "thần dược"

Theo lời kể của một số bệnh nhân gửi thư hỏi người viết, sau nhiều tháng dùng thuốc đông y, nhiều người thì mập thêm, ăn uống rất ngon nhưng có người thì bị đau dạ dày. Rất có thể trong thời gian dài, bệnh nhân đã dùng thuốc chứa corticoid.


 

Do có một số tác dụng đáng kể nên corticoid rất dễ bị lạm dụng. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Ngọc Dung
Do có một số tác dụng đáng kể nên corticoid rất dễ bị lạm dụng. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Ngọc Dung


Cũng gần đây, nhiều phụ nữ nông thôn miền Tây đồn đại với nhau về một loại thuốc Trung Quốc giúp trẻ em ăn ngon, mau tăng cân nhưng lại không đắt tiền. Loại thuốc này nhanh chóng được xem như một "thần dược", nhất là đối với những bà mẹ có con biếng ăn, đến bữa là cứ ngậm miệng. Không loại trừ khả năng loại "thần dược" này có chứa corticoid!

"Đề xa" hay thuốc corticoid được nêu trên gọi đầy đủ là glucocorticoid. Trong cơ thể ta có 2 corticoid thiên nhiên được tiết ra từ vỏ thượng thận (là tuyến úp trên 2 quả thận), đó là cortison và hydrocortison. Thuốc corticoid dùng trong điều trị gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là "đề xa" hay thuốc "hạt dưa" vì có dạng viên hình hạt dưa), prednison, prednisolon, methylprednisolon…

Tác dụng phụ nguy hiểm

Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Corticoid dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.

Bên cạnh đó, corticoid còn có nhiều tác dụng, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, đến sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương cùng nhiều cơ quan khác nhau. Chính do cơ thể có vẻ như mập ra, tăng trọng khi uống thuốc này liên tục và kéo dài (mà một số người cứ tưởng là tốt) là biểu hiện của một tác dụng phụ nguy hiểm. Do corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng rằm nhưng thật ra, cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing).

Corticoid làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon nhưng có thể làm loét dạ dày, gây xuất huyết tiêu hóa. Song song đó, corticoid còn có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm, hoặc các bệnh nấm).

Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận - do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết và như thế là rất nguy hiểm. Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân có các biến chứng nặng nề như: suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa… do tự ý lạm dụng corticoid. Đối với trẻ con, do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh nên càng bị tác hại bội phần do corticoid.

Dễ bị lạm dụng

Corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể nên gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng. Vì thế, người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn mà cứ tưởng thuốc làm tăng cân, mập ra.

Corticoid làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon làm tưởng lầm thuốc giúp ăn ngon.

Corticoid tác dụng lên hệ thần kinh gây sảng khoái, cộng thêm giảm đau nhức xương khớp làm người cao tuổi rất dễ lạm dụng.

Hiện nay, không ít thuốc đông y "giả mạo" mà nhiều người từng biết và có khi sử dụng nhầm đều được quảng cáo chủ yếu: "Mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ…". Trên thực tế, các thuốc đông y "giả mạo" này đều có chứa corticoid, để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết (do tác dụng giảm đau chống viêm, chống dị ứng của corticoid) khiến nhiều người cho là "thần dược". Thế nhưng, tác hại do việc dùng lâu ngày các loại đông dược "giả mạo" này không sao lường được.

Người dân nên cảnh giác, không tìm mua bất cứ thuốc gì, nhất là thuốc Trung Quốc được đồn đại là "thần dược" giúp trẻ em ăn ngon, mau tăng cân một cách lạ kỳ trong thời gian gần đây. Chắc chắn, dùng những thuốc này sẽ gặp cảnh "tiền mất tật mang".

Các cơ quan quản lý y tế cần làm tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và có biện pháp chế tài thật thích đáng đối với các cơ sở khám chữa bệnh, các nhà điều trị lạm dụng thuốc chứa "đề xa", corticoid chữa bệnh vô tội vạ.

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức (nld)

Có thể bạn quan tâm