Xã hội ngày càng phát triển, những suy nghĩ và tư duy của giới trẻ cũng dần thay đổi so với thế hệ trước. Điểm dễ nhận thấy nhất là ngày càng có nhiều bạn trẻ “tôn thờ” chủ nghĩa độc thân, họ trì hoãn kết hôn hoặc kết hôn muộn để tập trung cho sự nghiệp.
Điển hình như anh Ngô Trường Duy (25 tuổi, tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Mặc dù, bản thân đã có việc làm ổn định và tự chủ về tài chính, song anh Duy vẫn chưa có ý định kết hôn. Anh Duy lý giải: “Do bản thân đang có nhiều cơ hội trong sự nghiệp cũng như những ước mơ, hoài bảo chưa thực hiện được nên việc kết hôn không nằm trong kế hoạch của mình”.
Anh Ngô Trường Duy lựa chọn tập trung cho công việc và đi nhiều nơi để trải nghiệm trước khi tiến tới hôn nhân. Ảnh: Lạc Hà |
“Ngoài giờ làm, mình thường rủ hội bạn thân đi câu cá thỏa mãn đam mê cũng như giải tỏa stress trong công việc mà không bị bất kỳ ai phàn nàn. Hay tận dụng thời gian nghỉ lễ, bản thân sẽ tham gia các khóa học online để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời giúp cuộc sống luôn tràn đầy năng lượng và hạnh phúc”-Duy bộc bạch.
Còn chị Đinh Thu Trinh (tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) dù đã 28 tuổi, song chị vẫn chưa có dự định lập gia đình. Do làm việc trong lĩnh vực Đoàn-Hội, lịch trình công việc dày đặc khiến chị Trinh có quá ít thời gian để đi hẹn hò.
Chị Đinh Thu Trinh cảm thấy vui vẻ với công việc hiện tại và chưa có dự định kết hôn. Ảnh: Đồng Lai |
Chị Trinh chia sẻ: “Mình mong muốn học liên thông lên đại học nên trong 3 năm tới, mình sẽ tập trung cho việc trau dồi kiến thức. Do đó, mình khá chần chừ cho việc kết hôn”.
Khi bạn bè đồng trang lứa đã lần lượt lập gia đình thì chị Siu H’Lôm (27 tuổi, thôn Bôn Thăm, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) vẫn lựa chọn độc thân. Sau khi hoàn thành chương trình đại học ngành Y tại Trường Đại Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), H’Lôm làm việc tại một bệnh viện ở tỉnh Đồng Nai. Dù đã có công việc ổn định nhưng H'Lôm vẫn chưa nghĩ tới việc lấy chồng, sinh con.
Chị H’Lôm trải lòng: “Trước đây mình từng tìm hiểu vài người nhưng do tính cách không phù hợp và lịch học quá kín nên cũng "đứt gánh giữa đường". Hiện tại, mình chỉ muốn đi du lịch, khám phá các địa điểm đẹp cùng bạn bè và gia đình”.
Theo chị H’Lôm dự định sẽ kết hôn vào năm 30 tuổi khi điều kiện tài chính đã ổn định. Dù nhận thấy độ tuổi đó cũng khá muộn để lập gia đình nhưng vì sự nghiệp chị đành hy sinh. Chị H’Lôm nói thêm: “Mình nhận thức được việc kết hôn, sinh con muộn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và sản phụ. Do đó, mình luôn chú trọng việc tập thể dục, rèn luyện thể lực và giữ gìn sức khỏe”.
Khác với các bạn trên, chị Nguyễn Thị Phúc Lợi (38 tuổi; tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chọn kết hôn vào năm 27 tuổi sau khi ra trường và đi làm được 3 năm. Theo chị Lợi, lập gia đình khoảng thời gian này là hợp lý cả về tinh thần lẫn vật chất.
“Như bản thân mình, khi cảm nhận tình yêu đủ lớn, cả hai đều sẵn sàng cho một gia đình hạnh phúc thì chúng mình không ngần ngại kết hôn. Nhờ vậy, mình và chồng có mục tiêu phấn đấu hơn trong cuộc sống và hòa hợp nhanh. Đặc biệt, đảm bảo an toàn hơn khi sinh em bé và dạy dỗ chúng”-chị Lợi tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Phúc Lợi khuyên các bạn trẻ nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và kinh tế vững chắc trước khi quyết định lập gia đình riêng. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay dường như không còn tư tưởng con gái đến tuổi phải lấy chồng, lo cho gia đình với 4 bức tường, bếp núc mà có xu hướng ưu tiên cho sự nghiệp, thích tự do, trải nghiệm cuộc sống. Chính vì vậy, họ lựa chọn không kết hôn hoặc kết hôn muộn để có thời gian, không gian, điều kiện thỏa mãn những nhu cầu ấy.
Chị Lợi khuyên: “Thật ra, bản thân mình đồng tình với xu hướng của các bạn trẻ hiện nay bởi lúc này, các bạn có suy nghĩ chín chắn hơn, chuẩn bị chu đáo hơn về tài chính cùng các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, các bạn kết hôn muộn thì vấn đề sinh con gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé”.
Ông Phạm Vũ Hoàng-Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế): Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt Nam đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Sau 4 năm, đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.
Có thể nói, người trẻ gặp rất nhiều áp lực trong cuộc sống nên đa số họ dành thời gian ổn định về sự nghiệp, chăm lo về tài chính để làm nền tảng cho hôn nhân. Bên cạnh đó, một bộ phận người trẻ có xu hướng muốn tận hưởng cuộc sống tự do, hưởng thụ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, gia đình. Cùng với đó, yêu cầu của người trẻ về hôn nhân ngày càng cao như: người bạn đời phải có sự hòa hợp về tâm hồn, có nền tảng tài chính, sự nghiệp...
Trao đổi với P.V, Bác sĩ CKI Lê Đức Thọ-Phó trưởng Khoa sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đưa ra lời khuyên: Độ tuổi phù hợp có thai tự nhiên từ 20 đến 35 tuổi, nhưng tốt nhất ở giai đoạn 20-30 tuổi. Tuy nhiên, sinh con trong giai đoạn 20-24 tuổi thì tư tưởng của người mẹ chưa thật sự trưởng thành và vững vàng kinh tế. Giai đoạn 25-30 tuổi là giai đoạn tốt nhất để phụ nữ có thai.
Tuổi kết hôn của thanh niên Việt ngày càng muộn (theo: NLĐO) |
Kết hôn muộn hay ngại kết hôn, chọn lối sống độc thân không hề hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ ngày nay. Có thể nói, đây là cơ hội để mở mang kiến thức, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp, suy nghĩ chín chắn, hiểu biết và sẵn sàng lập gia đình. Bên cạnh mặt tích cực, kết hôn muộn dẫn đến nhiều hệ lụy như: chất lượng dân số giảm, phụ nữ khó thụ thai hơn độ tuổi 20-29, tình trạng dân số già, thiếu hụt nguồn lao động...
Ngày càng có nhiều người trẻ Gia Lai ngại kết hôn và chọn kết hôn muộn. Thực hiện: Lạc Hà-Đồng Lai |